Năm 2018, dự kiến sẽ có hàng loạt dự án với tổng vốn đầu tư gần 6 tỷ USD được triển khai để phát triển hạ tầng khu vực Nam Sài Gòn. Ưu thế này đang tạo nên sức nóng chưa từng có trên thị trường bất động sản khu vực này.
Đẩy mạnh kết nối khu Nam
10 năm trở lại đây, tốc độ phát triển đô thị ở khu vực Nam Sài Gòn (quận 7, huyện Nhà Bè và một phần huyện Bình Chánh) tăng nhanh. Dù mỗi năm TPHCM đều đầu tư hàng chục ngàn tỉ đồng để phát triển hạ tầng khu vực này nhưng vẫn chưa tương xứng với tốc độ phát triển đô thị tại đây khi mà dân cư đổ về đây sinh sống, làm việc ngày càng đông.
Theo Sở Giao thông vận tải TPHCM, chính vì các khu dân cư, đô thị trên địa bàn huyện Nhà Bè, quận 7 phát triển nhanh nên nhu cầu giao thông từ khu vực này vào trung tâm TP và ngược lại rất lớn và đã gây ra ùn tắc trên các trục đường chính như tuyến Bắc – Nam, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Văn Linh…
Để giải quyết vấn đề quá tải hạ tầng, TPHCM đã lên nhiều phương án, trong đó có việc ưu tiên đầu tư hàng loạt dự án hạ tầng trọng điểm cho khu vực này. Dự kiến trong năm 2018 sẽ có hàng loạt dự án với tổng vốn đầu tư gần 6 tỷ USD sẽ được triển khai để phát triển hạ tầng khu vực Nam Sài Gòn.
Cụ thể là hệ thống hầm chui – cầu vượt tại ngã tư Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ; dự án mở rộng đường Huỳnh Tấn Phát lên 30m; khởi công cầu Rạch Đỉa, cầu Long Kiểng trên đường Lê Văn Lương; mở rộng đường trục Bắc-Nam đoạn từ Hoàng Diệu đến Nguyễn Văn Linh; dự án mở rộng quốc lộ 50 thành 6 làn xe và dự án đường song hành quốc lộ 50; dự án xây dựng cầu Nguyễn Khoái nối dài từ quận 4 qua quận 7; cầu Phước Khánh nối khu Nam Sài Gòn với Nhơn Trạch (Đồng Nai);…
Đặc biệt, UBND TPHCM cũng đã chấp thuận chủ trương xây cầu Cầu Thủ Thiêm 4 nối quận 7 – quận 2; Dự án tuyến Metro số 4 (Thạnh Xuân (quận 12) – Nguyễn Hữu Thọ – Khu đô thị Hiệp Phước) cũng có dự kiến kinh phí đầu tư hơn 97.000 tỷ đồng…
Chuyên gia giao thông Phạm Sanh đánh giá, các dự án này hoàn thành sẽ tạo thuận lợi về giao thông cho các tuyến đường trung tâm thành phố đi quận 7, huyện Nhà Bè và các địa bàn lân cận. Tương lai, các dự án này kéo dài chạy dọc đường Nguyễn Hữu Thọ đến khu cảng Hiệp Phước nối vào cao tốc Bến Lức – Long Thành sẽ mang lại hiệu quả phát triển kinh tế vùng rất cao.
Sức nóng của khu Nam chưa dừng lại
Khi những dự án hạ tầng trên được thành phố công bố, thị trường bất động sản khu vực phía Nam đã có những chuyển biến đáng kể trong năm 2017, đặc biệt là 2 quý cuối năm, đẩy lượng cung và giao dịch bất động sản khu vực này lên vị trí đứng đầu toàn thành phố.
Trong đó, tâm điểm của khu vực này là đô thị Phú Mỹ Hưng càng trở nên nổi bật với tốc độ bán hàng nhanh khủng khiếp. Các dự án mới triển khai tại khu đô thị này trong năm 2017 đều có tỷ lệ bán hàng trung bình từ 96% ngay trong ngày công bố như Saigon South Residences, Phú Mỹ Hưng Midtown.
Đáng lưu ý nhất là dự án Phú Mỹ Hưng Midtown đạt tỷ lệ tiêu thụ đạt 98% – 100% chỉ sau vài giờ đưa sản phẩm ra thị trường và đáng nói là điều này lặp lại đến 3 lần trong cả 3 sự kiện mở bán.
Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, hàng loạt các dự án giao thông trọng điểm đã, đang và sẽ triển khai làm tăng chất lượng sống của người dân ở đây, đồng thời giá trị bất động sản khu vực này cũng được nâng lên. Do đó, sức nóng của thị trường khu vực này trong năm qua là điều dễ lý giải.
Ngoài ra, giới đầu tư đều nhận định sức nóng của thị trường bất động sản khu Nam sẽ tiếp tục mạnh hơn và chưa dừng lại trong năm 2018 mà còn có thể kéo dài trong 1 – 2 năm tới. Bởi các dự án hạ tầng lớn được chính quyền thành phố đầu tư vào khu vực này chủ yếu sẽ hoàn thiện và đưa vào sử dụng trong năm 2019 – 2020. Và sau khi các dự án này hoàn thiện thì thị trường mới không còn tốc độ tăng trưởng “nóng sốt” như hiện nay vì đã xác lập mặt bằng giá mới, có thể là rất khác với giá hiện tại.
Các nhận định này được đưa ra từ chính thực chứng mà giới đầu tư hay gọi là kỷ tích đã từng xảy ra ở chính khu Nam khi tuyến đường huyết mạch Nguyễn Văn Linh hoàn thành. Chính tuyến đường này khi hoàn thành đã tạo nên “cú hích” giúp khu Nam phát triển, giúp nhà ở tại đây hấp dẫn hơn trong mắt cư dân Sài Gòn vốn tập trung sống ở bờ Bắc rạch Bến Nghé và bất động sản tăng với tốc độ phi mã. Và điều này lặp lại một lần nữa khi cầu Kênh Tẻ hoàn thành vào năm 2007.
Đến nay, khu Nam đã trở thành một khu đô thị hiện đại phát triển ổn định với giá nhà đất cao thuộc tầm trung của TP. Tuy nhiên, với đợt đầu tư hạ tầng rầm rộ này, vẫn chưa biết bộ mặt của khu vực này sẽ ra sao trong 2 – 3 năm tới và mặt bằng giá bất động sản ở đây sẽ dừng ở điểm nào.
Hiện tại, những dự án có thời gian bàn giao nhà trùng với “điểm rơi”của các công trình hạ tầng trọng điểm vào năm 2019, 2020 đang người mua săn lùng ráo riết, đơn cử như trường hợp dự án Saigon South Residences, Phú Mỹ Hưng Midtown. Chủ đầu tư Phú Mỹ Hưng cho biết, cuối tháng này sẽ mở bán đợt 2 tòa nhà M7A của công trình The Signature thuộc giai đoạn 3 của khu phức hợp Midtown. Được biết, người mua muốn rút thăm mua căn hộ cần gửi thư đề nghị đến bên bán và khi lượng thư đạt đến con số mà chủ đầu tư có thể đáp ứng tốt nhất công tác tổ chức sự kiện mở bán thì đơn vị này sẽ ngừng nhận thư đề nghị mua nhà.
Dung – Phương
Nguồn: Dân Trí