Trong 2.600 ha khu vực phía Nam TP.HCM, chỉ có 460 ha giao cho liên doanh Phú Mỹ Hưng và đã hình thành một khi đô thị (KĐT) hiện đại. Một diện tích khác trở thành đại lộ Nguyễn Văn Linh với 10 làn xe. Hầu hết diện tích còn lại vẫn "còn đó", nhưng giá trị đất sử dụng thì khác rất nhiều.
Trong một bài PV trước đây, ông Phan Chánh Dưỡng, thành viên nhóm tư vấn kinh tế cho Thủ Tướng, người tham gia đề án phát triển KĐT ngay từ đầu đã từng đặt vấn đề: "Tại sao cũng mặt đất đó, dưới bầu trời đó, cũng là công nhân xây dựng của Việt Nam, gạch đá và sắt thép Việt Nam, nhưng một phần đất lại tạo ra được giá trị gia tăng cao hơn hẳn những phần còn lại?"
Đứng từ góc độ thị trường BĐS, không nhà đầu tư nào có thể phủ nhận vai trò của Phú Mỹ Hưng đối với thị trường khu vực phía Nam nói riêng và TP.HCM nói chung. Sự hình thành KĐT này đã và đang kéo nhiều dự án BĐS tề tụ về đây, các khu lân cận cũng phát triển "ăn theo". Có thể thấy rõ nhất là từ gần 20 năm nay, bất cứ dự án nào phát triển ở khu Nam TP.HCM đều lấy "địa mốc" gần Phú Mỹ Hưng làm lợi thế cạnh tranh với những dòng giới thiệu kèm theo như "liền kề Phú Mỹ Hưng", "cách Phú Mỹ Hưng không xa" hay "Phú Mỹ Hưng thứ 2"... Đó là sự dẫn dắt thị trường tuyệt đối.
Tuy nhiên, nếu chỉ đơn thuần xem Phú Mỹ Hưng như một công ty kinh doanh địa ốc thì không thể nói hết được những gì mà công ty này đã làm: Phát triển hoàn chỉnh một KĐT kiểu mẫu đầu tiên của cả nước, dẫn dắt và tạo xu hướng cho thị trường nhà ở… Phải xét trên bối cảnh toàn diện của một hành trình 25 năm qua mới thấy hết tâm và tầm của chủ đầu tư.
Ngay từ khi bắt đầu, mười người thì có tới chín người lắc đầu ngao ngán về quyết định xây dựng KĐT từ vùng đất đầm lầy hoang sơ … với cơ sở hạ tầng là con số không; thậm chí, ngay với một số người tham gia dự án cũng nhiều hoài nghi. Trước đó, trong quá trình tìm nhà đầu tư cho đề án phát triển khu Nam, theo ông Dưỡng, có đến bốn đối tác nước ngoài đã ký biên bản nhưng khi cử các chuyên gia kỹ thuật, chuyên gia về pháp luật sang thẩm định thì đều lắc đầu hoặc chần chờ không triển khai. Bởi bên cạnh những trở ngại của một ý tưởng không tưởng: Biến đầm lầy thành đô thị, thì thời điểm đó, các chính sách cũng như cơ chế, hành lang pháp lý liên quan đến đầu tư nước ngoài, đất đai… chưa hoàn chỉnh và còn nhiều vướng mắc.
Đúc kết lại sau 25 năm phát triển, có thể thấy yếu tố tạo nên thành công của KĐT Phú Mỹ Hưng phải kể tới đầu tiên chính là tầm nhìn dài hạn của chủ đầu tư, đặc biệt là ông Lawrence S. Ting (Cố Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn CT&D và Công ty Phú Mỹ Hưng với câu nói: "Không hỏi chúng tôi đã mang đi những gì, mà hỏi chúng tôi đã để lại những gì"). Dù gặp phải rất nhiều thách thức trong thời kỳ đầu quá trình đổi mới nhưng với tầm nhìn xa trông rộng, quyết tâm làm bằng được của chủ đầu tư đã tạo nên một KĐT Phú Mỹ Hưng hiện đại như ngày hôm nay.
Nhận xét về quy hoạch tổng thể KĐT Phú Mỹ Hưng, nhiều chuyên gia đánh giá bản quy hoạch này không những đạt các chuẩn mực quốc tế về cư trú, văn hóa, giáo dục, giải trí, các tiện ích công cộng và môi trường mà điều quan trọng là giữ được sự hài hòa với thiên nhiên, bảo tồn và tôn tạo giá trị của vùng đất Nam bộ.
KĐT Phú Mỹ Hưng có 8 tiểu khu chức năng gồm 3 khu dịch vụ và 5 khu dân cư nhà ở hỗn hợp. Mỗi khu chức năng được quy hoạch, phát triển trong mối tương quan với vị trí, đặc điểm khu vực. Đồng thời thể hiện sự sáng tạo giữa không gian kiến trúc hài hòa với thiên nhiên, giữa chức năng công trình thương mại, nhà ở với không gian công cộng làm nơi kết nối cộng đồng.
Tuy quy hoạch được đánh giá là yếu tố cốt lõi để đảm bảo sự thành công của một KĐT nhưng xét trong dài hạn thì việc quản lý thực hiện quy hoạch đó còn quan trọng hơn. Phân tích sâu hơn về sự thành công của Phú Mỹ Hưng, các chuyên gia nhận định đây là hình mẫu về một đơn vị phát triển KĐT đã làm tốt quy trình 6 bước: Đầu tư - Quy hoạch - Hạ tầng - Thiết kế - Xây dựng - Quản lý. Để đạt được 6 thống nhất này, công ty Phú Mỹ Hưng đã tuân thủ chặt chẽ các tiêu chí và chuẩn mực theo quy hoạch tổng thể đô thị đã được phê duyệt, hướng tới sự đồng bộ, làm nền tảng cho tiêu chí phát triển bền vững.
Đầu tiên phải kể đến đại lộ Nguyễn Văn Linh – con đường huyết mạch dài 17,8km, lộ giới 120m có 10 làn xe, kết nối với hệ thống giao thông của thành phố tạo sự thuận tiện trong việc di chuyển qua quận 4, 5, 8 và huyện Bình Chánh. Dọc tuyến đường hơn 40 cây cầu lớn, nhỏ được xây dựng. Nhiều chuyên gia nhận xét rằng con đường này đã làm sống lại khu đất 2.600ha, trở thành tuyến giao thông huyết mạch trung chuyển hàng hóa từ TP.HCM đến các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và ngược lại. Tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế khu Nam nói riêng và TP.HCM nói chung. Đặc biệt, trên đại lộ Nguyễn Văn Linh, đất dự phòng để phát triển hệ thống giao thông tương lai như Metro… cũng đã được tính toán bố trí sẵn. Nhờ đó, đô thị này còn rất nhiều hướng để phát triển, kết nối giao thông hiện đại đáp ứng về giao thông trong tương lai sau hàng chục năm nữa. Riêng về nội thị, mạng giao thông trong Phú Mỹ Hưng được quy hoạch đồng bộ, theo dạng bàn cờ, không có đường hẻm, vỉa hè thông thoáng.
Nhìn lại 25 năm đầu tư xây dựng Phú Mỹ Hưng, có thể thấy rõ, KĐT được triển khai bám sát quy hoạch ban đầu, không tối đa hóa diện tích xây dựng mà vẫn chú trọng đầu tư cho "không gian sống". Ví dụ, thời điểm năm 2008-2011, kinh tế nói chung và BĐS nói riêng trầm lắng, Phú Mỹ Hưng vẫn nỗ lực hoàn thiện khu The Crescent nhằm hoàn chỉnh chức năng dịch vụ KĐT, giữ cam kết với cư dân…
Tỷ lệ không gian xanh tại Phú Mỹ Hưng hiện nay đạt bình quân 8,9m2/người. Dù quỹ đất "vàng" ngày càng hạn hẹp và đắt giá nhưng chủ đầu tư này vẫn dành hầu hết các quỹ đất đẹp ưu tiên cho phát triển trường học, không gian cộng đồng. Đây không phải là điều dễ dàng bởi trong bối cảnh đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ, việc giữ vững định hướng phát triển như ban đầu là một bài toán không chỉ đòi hỏi về tài chính, năng lực mà hơn hết là "cái tâm" của chủ đầu tư: Đặt lợi ích cộng đồng lên trên hết, không chạy theo bài toán lợi nhuận mà phá vỡ quy hoạch ban đầu, hướng tới sự phát triển bền vững.
Người ta thường nhìn vào thành công của một dự án BĐS trên phương diện doanh số, còn đối với việc phát triển một KĐT, sức sống của cộng đồng tại đó mới là điều cốt lõi quyết định thành công. Đây cũng là yếu tố tạo nên bản sắc thương hiệu và giá trị riêng chỉ có tại Phú Mỹ Hưng: Một KĐT quốc tế với cộng đồng nhân văn, dân cư có trình độ tri thức cao, nếp sống văn minh, lịch thiệp...
Chia sẻ với chúng tôi, ông Trương Quốc Hưng, Phó TGĐ công ty Phú Mỹ Hưng, người đã gắn bó với Phú Mỹ Hưng ngay từ những ngày đầu cho biết: "Việc xây dựng giá trị cộng đồng là một hành trình đầy thử thách. Đặc biệt, những ngày đầu, loại hình nhà ở chung cư, căn hộ còn xa lạ và rất ít người lựa chọn, việc bán nhà kèm với điều kiện người mua phải tuân thủ các nội quy của khu dân cư (được đề cập trong hợp đồng) để đảm bảo môi trường sống xanh-sạch- đẹp-an toàn không phải đơn giản. Thế nhưng, như mọi người thấy đấy, về lâu dài thì đây thực sự là định hướng đúng đắn và đem đến thành công ngày hôm nay cho Phú Mỹ Hưng để hình thành một cộng đồng văn minh và nhân văn." Hiện Phú Mỹ Hưng có khoảng 30.000 cư dân sinh sống với khoảng 50% là người nước ngoài đến từ các quốc gia trên thế giới.
Trải qua 25 năm xây dựng và phát triển, có thể thấy Phú Mỹ Hưng không phải là KĐT tĩnh mà nằm trong dòng chảy phát triển bền vững cùng khu Nam TP.HCM. Mang diện mạo của một KĐT hiện đại, Phú Mỹ Hưng trở thành Trung tâm Tài chính, Thương mại, Dịch vụ, Công nghiệp, Khoa học, Văn hóa, Giáo dục, Cư trú, Giải trí… hỗ trợ nội thành cũng như khu phía Nam, Đông Nam TP phát triển. Ngay từ đầu chủ đầu tư đã đón bắt đúng hướng của tương lai, một xu hướng tương tác cộng hưởng giữa các yếu tố: cơ sở vật chất; không gian sống; thị trường; văn hóa; giao lưu hội nhập quốc tế và quản lý vận hành. Từ đây, khái niệm phát triển đô thị bền vững, nhà ở thay đổi trên diện rộng, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ông Hà Văn Tuấn, cư dân tại đây bùi ngùi nhìn lại: "Quả thật không thể tin nổi bởi ngày trước nơi đây còn là một bãi đầm lầy suốt ngày nghe tiếng ếch kêu, đi lại còn khó huống chi là nói xây nhà thì có ai mà tin. Vậy mà giờ đây có cả một KĐT hiện đại mọc lên"
Đối với TP.HCM, Phú Mỹ Hưng được xem như một trong những công trình tiêu biểu của TP trong quá trình hội nhập và công ty Phú Mỹ Hưng trở thành điểm sáng của quá trình mở cửa, kêu gọi, hợp tác đầu tư nước ngoài. Những gì đang diễn ra ở Phú Mỹ Hưng trở thành bài học quý giá. Tuy nhiên, bài toán về quy hoạch một KĐT thì có lẽ chủ đầu tư nào cũng có thể học hỏi nhưng cái "tâm" và "tầm" là điều không dễ phổ cập.
"Xây dựng và phát triển đô thị Phú Mỹ Hưng, chúng tôi luôn tâm niệm rằng hành trình chạm đến thành công là hành trình không có điểm dừng, bởi khi ta đặt chân lên nấc thang này, lại có những nấc thang cao hơn, thử thách hơn do xã hội kỳ vọng hay do chính bản thân buộc ta bước tới." Ông Trương Quốc Hưng khẳng định tầm nhìn và định hướng phát triển của doanh nghiệp.
Mang đặc điểm kiến trúc phố Causeway Bay ở HongKong, khu Thương Mại Tài Chính Quốc Tế là tâm điểm của KĐT Phú Mỹ Hưng. Sự phát triển của khu này đã và đang thu hút nhiều tập đoàn, nhà đầu tư trong và ngoài nước đến xây trụ sở, mở văn phòng… Đặc biệt, kể từ năm 2008, Trung tâm Hội nghị & Triển lãm Sài Gòn (SECC) đi vào hoạt động, tạo nên diện mạo năng động cho đô thị Phú Mỹ Hưng, đáp ứng nhu cầu xúc tiến thương mại, MICE, giải trí trong nước cũng như quốc tế. Ngoài hàng loạt cao ốc thương mại, văn phòng đang được xây dựng tại đây và dự kiến hoàn thành từ cuối năm 2019, sắp tới tại khu này sẽ có thêm một trường học danh tiếng được triển khai.
Mô phỏng theo Vịnh Singapore, Khu The Crescent có nhiều kiến trúc độc đáo, ấn tượng: cầu đi bộ trên cao (Sky Bridge); phố dạo bộ ven hồ dài 700m hay cầu đi bộ Ánh Sao (Starlight Bridge). Là trung tâm của cộng đồng (a social heart) gồm chức năng mua sắm, giải trí, tòa nhà cho thuê… Khu The Crescent có mặt bằng rộng rãi để tổ chức sự kiến trong các dịp lễ hội, hoạt động văn hóa – thể thao và đã trở thành một công trình mang tính cộng đồng cao. Hiện công trình Crescent Hub thuộc giai đoạn 2 của Crescent Mall đang được triển khai và dự kiến khi đưa vào hoạt động sẽ cung cấp cho thị trường 50,000 m2 sàn thương mại bán lẻ, văn phòng…
Mô phỏng theo Vịnh Singapore, Khu The Crescent có nhiều kiến trúc độc đáo, ấn tượng: cầu đi bộ trên cao (Sky Bridge); phố dạo bộ ven hồ dài 700m hay cầu đi bộ Ánh Sao (Starlight Bridge). Là trung tâm của cộng đồng (a social heart) gồm chức năng mua sắm, giải trí, tòa nhà cho thuê… Khu The Crescent có mặt bằng rộng rãi để tổ chức sự kiến trong các dịp lễ hội, hoạt động văn hóa – thể thao và đã trở thành một công trình mang tính cộng đồng cao. Hiện công trình Crescent Hub thuộc giai đoạn 2 của Crescent Mall đang được triển khai và dự kiến khi đưa vào hoạt động sẽ cung cấp cho thị trường 50,000 m2 sàn thương mại bán lẻ, văn phòng…
Được quy hoạch để phục vụ nhu cầu về y tế, chăm sóc sức khỏe của cư dân đô thị. Ngoài ra, tại đây cũng có khu thể thao giải trí gồm sân tập golf Nam Sài Gòn, hồ bơi, sân quần vợt...
Khu Cảnh Đồi được đưa vào sử dụng đầu tiên tại KĐT Phú Mỹ Hưng với nhiều loại hình dịch vụ, tiện ích về giáo dục, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, ngân hàng, dịch vụ dọc đại lộ Nguyễn Văn Linh và đường Nguyễn Đức Cảnh … tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt và các giao dịch hàng ngày của cư dân. Đây cũng là nơi tọa lạc của hai trường học danh tiếng của TP.HCM là trường quốc tế Nam Sài Gòn (SSIS - Saigon South International School) và trường Đinh Thiện Lý (LST - Lawrence S. Ting School)
Giống như một ốc đảo được bao bọc bởi sông nước, Khu Nam Viên có mật độ xây dựng thấp vì có nhiều công viên lớn diện tích từ 9.800m 2 - 20.000m 2 tạo nên không gian tiện ích phục vụ cộng đồng. Đây là nơi có các biệt thự đẳng cấp như biệt thự lâu đài Chateau, biệt thự Mỹ Phú, Mỹ Văn, Nam Viên... Trong vài năm tới, đây là khu vực trọng điểm được công ty Phú Mỹ Hưng ưu tiên đầu tư như cải tạo toàn bộ cảnh quan, phát triển các khu căn hộ dọc đại lộ Nguyễn Lương Bằng để hoàn thiện trục đường doanh thương kết nối trực tiếp qua khu M, C và CR.
Tại đây có nhiều trường quốc tế như Trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Bắc, Canada và các trường học trong nước như Nam Sài Gòn, Lê Văn Tám. Tháng 9 này, tại đây sẽ có thêm một trường học được đưa vào khai thác.
Quy hoạch ở đây chủ yếu là các khu nhà phố, khu căn hộ. Khu căn hộ Sky Garden với trên 3,100 căn hộ được triển khai trong 3 giai đoạn: Sky Garden 1, 2 & 3 đã hoàn thiện được ví như một thành phố thu nhỏ với đầy đủ các tiện ích ngay ngưỡng cửa cho cư dân tạo nên không gian sống tiện ích và năng động. Ngoài ra, đây là khu vực có hệ thống cửa hàng, dịch vụ tiện ích và giải trí rất nhộn nhịp với đa dạng phong cách dành cho cư dân đa quốc tịch.
Là khu kinh doanh trung tâm được xây dựng dọc theo đại lộ thương mại Nguyễn Lương Bằng, nằm giữa hai Khu Nam Viên và Khu Thương Mại Tài Chính Quốc Tế, Khu Midtown được sử dụng đa hợp, với vị trí đẹp tạo nhiều thuận lợi cho việc phát triển các dịch vụ kinh doanh, thương mại, dân cư. Ngoài khu biệt thự, căn hộ cao cấp Waterfront đang cho thuê tại đây, mới đây, công ty Phú Mỹ Hưng đã liên doanh cùng các đối tác Nhật Bản triển khai khu phức hợp Phú Mỹ Hưng Midtown. Đây là dự án tạo dấu ấn cho khu M với điểm nhấn là công viên hoa anh đào đầu tiên Việt Nam Sakura Park. Dự kiến, cuối năm 2019, giai đoạn 1 của dự án Phú Mỹ Hưng Midtown sẽ được hoàn công.
Nguồn: Cafef