Sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước 30/4/1975, khu vực bờ Nam rạch Kênh Tẻ vẫn là vùng đầm lầy ruộng nước hoang vu. Với nhiều người thành phố khi đó, khu vực này đã là vùng đất tận cùng của Sài Gòn, ít ai muốn đến đây sinh sống. Nhưng nay, mọi sự đã khác…
Mãi đến những năm đầu thập kỷ 1990, khu vực quận 7 - Nhà Bè ngày nay vẫn còn là vùng đất hoang vu vắng bóng người. Đồng ruộng bao la, thỉnh thoảng mới thấy vài nóc nhà lụp xụp và cảnh vật như ở một vùng quê Nam bộ nghèo khó. Không khó nhận ra điều đó qua những bức không ảnh được chụp trong khoảng thời gian này.
Trở ngại của vùng đất này là không có đường xá bởi hệ thống kênh rạch chằng chịt nhưng lại thiếu cầu kết nối nên cả vùng bị chia cắt khiến giao thông cách trở. Điều này kéo theo đời sống người dân vô cùng khó khăn vì kinh tế không thể phát triển, người dân chỉ dựa vào nông nghiệp dù khu vực này cách vùng đất Gia Định – Chợ Lớn (vùng trung tâm Sài Gòn) chỉ vài km đường chim bay. Đó cũng là điều trăn trở của chính quyền TPHCM suốt gần 20 năm sau ngày giải phóng.
Bởi giao thông cách trở, vùng Nam TPHCM những năm 1990 so với vùng trung tâm cứ như phố thị và nhà quê
Trong chương trình phát triển kinh tế của thành phố, Nam Sài Gòn nằm trong nhóm đầu cần ưu tiên thực hiện trước. Sau khi Luật đầu tư ra đời, năm 1993, công ty Phú Mỹ Hưng được cấp phép đầu tư khai thác 750ha của vùng Nam Sài Gòn. Hàng loạt công tác chuẩn bị cho sự phát triển của khu Nam Sài Gòn được chủ đầu tư thực hiện như tổ chức cuộc thi Quốc tế thiết kế quy hoạch Đô thị mới, thuyết trình Quy hoạch tổng thể đô thị cho Viện Kiến Trúc Mỹ và Ngân Hàng Thế Giới…
Đến tháng 12/1994, Quy hoạch tổng thể đô thị được Thủ Tướng Võ Văn Kiệt phê duyệt. Tháng 3/1995, Thủ tướng ký Quyết định thành lập Ban Quản Lý Khu Nam TPHCM với cơ chế giấy tờ Một Cửa để phát triển nhanh vùng đất này, tránh tụt hậu so với xu thế phát triển chung của thành phố sau ngày đổi mới.
Tháng 7/1996, Công ty Phú Mỹ Hưng bắt đầu xây dựng những cơ sở hạ tầng đầu tiên của khu đô thị trên vùng đất đầm lầy. Tháng 12/1996, đại lộ Nguyễn Văn Linh Giai đoạn I đã được khởi công. Đến tháng 2/1998, giai đoạn 1 của đại lộ Nguyễn Văn Linh với 2 làn xe đi vào hoạt động, dù còn nhỏ nhưng đã phá thế bế tắc, tạo lối thông thương giữa Khu Nam Sài Gòn với vùng đô thị trung tâm. Từ đây, cả vùng đất Nam Sài Gòn “cất cánh”, dân cư bắt đầu di chuyển về đây sinh sống, thương nghiệp phát triển…
Con đường huyết mạnh Nguyễn Văn Linh, khai phá tiềm năng của khu Nam TPHCM
Đến năm 2002, đại lộ Nguyễn Văn Linh tiếp tục được mở rộng thành 4 – 6 làn xe, nhiều tuyến đường nhánh trong khu đô thị Phú Mỹ Hưng được mở kết nối với các khu dân cư lân cận như quận 4, Nhà Bè, Bình Chánh… Những khu phố được quy hoạch bài bản, hiện đại được thành hình, những căn biệt thự hoành tráng, những tòa nhà cao tầng bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều tạo thành Khu đô thị Phú Mỹ Hưng đạt chuẩn quốc tế, trở thành đô thị kiểu mẫu đầu tiên của cả nước. Và, kéo theo đó là sự phát triển bùng nổ của thị trường bất động sản khu Nam. Kể từ những năm 2000, những khu dân cư hiện đại lân cận Phú Mỹ Hưng xuất hiện liên tục làm thay đổi cả vùng đất đầm lầy hoang hóa cách đây 20 năm.
Đến nay, sau 43 năm giải phóng – thống nhất đất nước, công ty Phú Mỹ Hưng đã có 25 năm lịch sử cũng là 25 năm lịch sử phát triển của vùng đất này. Khu Nam Sài Gòn đã không còn là vùng đất đầm lầy hoang hóa mà đã trở thành 1 trong những vùng đô thị mới phát triển mạnh mẽ nhất của TP, khu vực luôn đứng trong Top 3 của thị trường bất động sản TPHCM trong nhiều năm qua.
Sự xuất hiện của đô thị Phú Mỹ Hưng trong những năm 1990 được xem như là “cú hích” khởi động quá trình phát triển mạnh mẽ của Khu Nam Sài Gòn trong hơn hai thập niên qua, đưa quận 7 trở thành địa phương có tốc độ đô thị hóa “chóng mặt” nhưng vẫn tuân thủ quy hoạch chặt chẽ, không phát triển tự phát, manh mún như các địa phương khác.
Kết quả là bộ mặt khang trang, hiện đại của đô thị quận 7 hiện nay khiến người dân hài lòng hơn bất kỳ nơi nào khác, không tồn tại những vấn đề đô thị như kẹt xe, thiếu mỹ quan, hẻm ngoằn ngoèo, dây điện chằng chịt…
Còn Phú Mỹ Hưng thì đã trở thành biểu tượng cho những khu dân cư khang trang, sống tốt dành nhiều đối tượng. Thương hiệu Phú Mỹ Hưng không chỉ bó gọn ở Sài Gòn. Người nước ngoài đến Việt Nam làm việc lâu dài hầu hết đều chọn đến đây để sinh sống…
Nay khu Nam TPHCM với trung tâm là khu đô thị Phú Mỹ Hưng đã rất khác
Điểm đặc biệt nhất mà đô thị này vượt trội so với các khu vực khác của TPHCM là mảng xanh. Ngay từ ban đầu, Phú Mỹ Hưng đã bỏ ra nhiều thời gian, công sức và chi phí để xây dựng bản đồ quy hoạch theo tiêu chuẩn quốc tế và hơn 20 năm xây dựng – phát triển đô thị, họ kiên trì tuân thủ chặt chẽ theo quy hoạch, đảm bảo đô thị phát triển theo hướng hiện đại nhưng vẫn xanh, sạch và đẹp.
Theo quy hoạch của TPHCM đến năm 2025 thì chỉ tiêu đất cây xanh sử dụng công cộng của nội thành là 2,4m2/người; nội thành phát triển mới là 7,1m2/người; các huyện ngoại thành là 12m2/người. Tuy nhiên, đó chỉ là chỉ tiêu. Thống kê vào năm 2015 cho thấy diện tích đất cây xanh sử dụng công cộng trên toàn thành phố chưa đến 1m2/người, quá thấp so với quy chuẩn của một đô thị cấp đặc biệt (từ 7-9 m2/người).
Nhưng ở Phú Mỹ Hưng, khu đô thị rộng 433ha này chỉ có 126ha là đất phát triển xây dựng, còn lại là phát triển công trình hạ tầng, kỹ thuật, tiện ích dịch vụ không gian mở. Tính đến thời điểm hiện tại, Phú Mỹ Hưng có mật độ cây xanh bình quân trên đầu người lên đến 8,9m2, vượt qua cả quy chuẩn thế giới dành cho đô thị cấp đặc biệt.
Với mảng xanh dày đặc, Phú Mỹ Hưng được đánh giá là khu đô thị xanh đúng nghĩa
Với hệ thống hạ tầng đáp ứng chất lượng sống vượt trội cho cư dân, khu đô thị này được Hiệp hội Bất động sản Việt Nam trao danh hiệu Khu đô thị Tốt nhất. Và, với thành tích xây dựng thành công Khu đô thị Tốt nhất trong 25 năm qua, công ty Phú Mỹ Hưng cũng vinh dự được trao tặng danh hiệu Nhà phát triển Bất động sản Uy tín nhất
Ông Trương Quốc Hưng, Phó tổng giám đốc công ty Phú Mỹ Hưng, cho biết: “Người mua nhà ở Phú Mỹ Hưng được tận hưởng không gian sống rộng lớn, chỉn chu từ đường sá khang trang rộng rãi, công viên xanh, tiện ích, cho đến cộng đồng chứ không chỉ gói gọn trong diện tích căn nhà sở hữu. Chúng tôi mong muốn, sau một ngày làm việc căng thẳng thì cư dân luôn cảm thấy thoải mái và an tâm khi trở về ngôi nhà của mình”.
Vùng bưng biền năm xưa
Hôm nay là 1 khu đô thị quy hoạch bài bản
Những cánh đồng rau trong ngày doanh nghiệp đến khảo sát
Qua một quá trình biến đổi
Nay đã thành các tòa cao ốc và công viên xanh mát, đẹp mắt
Cả một vùng sông nước kênh rạch chằng chịt dừa nước
Ai dám tưởng tượng 25 năm sau đã trở thành hình ảnh 1 khu đô thị hiện đại như thế này
Nhờ những công trình phát triển hạ tầng đầu tiên trên mảnh đất sình lầy từ 25 năm trước
Đến nay, khu Nam Sài Gòn thay đổi hoàn toàn diện mạo và đời sống an sinh xã hội cũng từng ngày một nâng cao.
Nguồn: Dân Trí