12 năm nhớ Trịnh Công Sơn: Đêm của tình bạn, tình yêu!
Đêm nhạc đã lập nên một kỷ lục Việt Nam: Ca khúc Nối vòng tay lớn có nhiều người hát nhất với 20.000
“Chúng ta gặp nhau nơi đây bằng một đêm của tình bạn, tình yêu quê hương trong cùng một tiếng nói da vàng”. Lời phát biểu của nữ ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, em gái, đại diện gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, cũng chính là tinh thần của đêm nhạc Đóa hoa vô thường, diễn ra vào ngày 31/3 tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng (TPHCM) nhân dịp tưởng nhớ 12 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Tình yêu chung thủy nhất
Từ 16:00, hàng ngàn khán giả đủ mọi lứa tuổi đã kéo về sân cỏ cầu Ánh Sao khu đô thị Phú Mỹ Hưng để chọn chỗ chờ đêm nhạc Trịnh diễn ra. Khán giả ngồi thành nhóm vừa hàn huyên, đàn hát. Dù không quen biết nhưng khi ai đó cất lên một đoạn nhạc Trịnh, từng người kéo đến rồi kết thành một nhóm nhỏ ngồi hát. Họ thân thiết như những người bạn tri âm dù tuổi tác có cách biệt đến mấy.
“Tôi đã chọn nhạc Trịnh làm một trong những chỗ nương tựa của tâm hồn. Để dù ngoài kia có bão lớn, gió to, ước mơ tan vỡ, tình cảm không như ý thì vẫn còn nơi chốn để quay về nương náu và nhắc nhở mình nhớ rằng ngay cả tuyệt vọng cũng có thể đẹp như một bông hoa” – nữ sinh viên Phạm Giang Phượng Thư tâm sự. Chính điều này lý giải vì sao chương trình nhạc Trịnh không cầu kỳ vẫn có thể thu hút gần 30.000 khán giả đến thưởng thức.
Âm nhạc của Trịnh Công Sơn đã vượt qua khuôn khổ của những ca khúc thông thường để trở thành tiếng lòng của hàng triệu trái tim yêu hòa bình trên khắp Việt Nam và trên thế giới, là lời cổ vũ mạnh mẽ chấm dứt chiến tranh và bạo lực. Âm nhạc của ông cũng là tiếng nói về thân phận con người, về tình yêu đôi lứa. Với những giá trị đó, nhạc Trịnh Công Sơn có một sức sống mạnh mẽ trong lòng công chúng.
“Với tôi, nhạc Trịnh là đời sống thứ hai, là không thể thiếu trên con đường mà tôi đang đi, là tình yêu chung thủy nhất với tôi, là sống mãi trong tôi” – khán giả Đinh Mạnh Hùng nói. Khán giả Nguyễn Thị Thu Hà cho hay: “Khi người ta trẻ, người ta yêu nhạc Trịnh bằng những cảm nhận tươi mới của một người đang tập trưởng thành. Đến với nhạc Trịnh để tìm sự cân bằng mỗi lúc chông chênh, là bình tĩnh hơn trước những va vấp trong đời”.
Còn với khán giả Ngọc Trâm: “Nếu có một kiếp rong chơi, xin hãy cho tôi rong chơi bên những ca từ nhạc Trịnh. Đến bao nhiêu năm nữa sẽ có được một con người tạo nên một chuỗi âm thanh mà từ đó đã đồng cảm, đã thành máu thịt của biết bao tâm hồn con người trăn trở với thân phận, với cái đẹp của tình yêu?”.
Sống lại ca khúc Da vàng
Đó là những bài hát về quê hương, thân phận con người trong chiến tranh, là tiếng nói phản chiến và lời cổ vũ mạnh mẽ cho hòa bình. Sau năm 1975, vì nhiều lý do, các ca khúc Da vàng ít được phổ biến. Vì vậy, đêm nhạc kỷ niệm 12 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với một số ca khúc Da vàng đã tạo nên một không khí thực sự mới mẻ, nhất là khi trong đó có ca khúc lần đầu tiên được biểu diễn như Người mẹ Ô Lý, Đôi mắt nào mở ra và Nước mắt cho quê hương dù với nhiều khán giả, đây là những ca khúc quen thuộc.
Qua bộ lọc của Trịnh Công Sơn, cuộc sống được chắt gạn những gì tinh túy nhất để rồi hiện lên qua những ca từ và âm điệu giản dị mà sâu xa. Tất nhiên, đêm nhạc đã không thể gặt hái thành công nếu không kể đến những giọng ca và biểu diễn tuyệt vời của Mỹ Linh, Thanh Lam, Hồng Nhung, Đức Tuấn, Trần Mạnh Tuấn, MTV…
Chung một tấm lòng
Đã thành thông lệ, những ngày cuối tháng 3 hằng năm là dịp để những người hâm mộ nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn lại tụ hội và tổ chức những đêm nhạc tưởng nhớ ông. Khán giả đến đêm nhạc có thể để nghe những ca khúc nhạc Trịnh mà họ thích, đến để nghe một giọng ca hát nhạc Trịnh mà họ yêu mến nhưng với hầu hết khán giả, họ đến đây còn để được cất lên tiếng hát của chính mình. Theo ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh: “Không có một xưng hô nào gần gũi hơn, cảm xúc hơn và phù hợp hơn 2 tiếng “bạn bè” trong không khí đêm nay. Tôi nghĩ rằng bạn bè hôm nay sẽ cùng chia sẻ bằng cả tấm lòng và như anh Sơn đã nói, để làm gì bạn biết không?… Để gió cuốn đi!”.
Chuyến thăm mộ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn diễn ra vào sáng nay, 1/4 và nhà lưu niệm Trịnh Công Sơn cũng sẽ mở cửa từ 6:00 đến 16:00 cho công chúng thăm viếng. Đêm nhạc Đóa hoa vô thường sẽ được phát sóng trên kênh truyền hình HTV2 lúc 19:00 ngày 6/4 và kênh giải trí tổng hợp VCTV1 lúc 20:30 ngày 7/4.