Đô thị Phú Mỹ Hưng: Biến “đầm lầy” thành khu đô thị hiện đại
Những bài học kinh nghiệm trong nỗ lực biến “vùng đầm lầy ngập mặn bị lãng quên” ở phía nam TP.HCM thành khu đô thị hiện đại Phú Mỹ Hưng, cũng như những thách thức trong thời gian tới… đã được trình bày tại buổi hội thảo chủ đề “20 năm xây dựng và phát triển khu đô thị Phú Mỹ Hưng” diễn ra ngày 17.5.
Từ đầm lầy thành khu đô thị kiểu mẫu tại VN
Hội thảo “20 năm xây dựng và phát triển khu đô thị Phú Mỹ Hưng” có sự tham gia của chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước thuộc các lĩnh vực xây dựng, kiến trúc, quy hoạch, luật và lãnh đạo các sở, ban, ngành với 26 tham luận. Tại hội thảo, 8 tham luận đã được báo cáo và thảo luận.
Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Ba Dah Wen, Thường trực Hội đồng thành viên Công ty TNHH phát triển Phú Mỹ Hưng, hết sức vui mừng khi có cơ hội gặp lại những người đã tham gia và giúp đỡ, tư vấn khởi động dự án Phú Mỹ Hưng từ những ngày đầu. Bà Ba Dah Wen tự hào thông báo, sau đại lộ Nguyễn Văn Linh, Công ty Phú Mỹ Hưng cũng vừa được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất về thành tích xây dựng khu đô thị kiểu mẫu Phú Mỹ Hưng.
Trong báo cáo tham luận của mình, KTS Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, khẳng định Phú Mỹ Hưng là sự thành công của việc quy hoạch có chất lượng, tiếp cận xu thế hiện đại của thế giới, phân khu rõ ràng… Phân tích sâu hơn về sự thành công của khu đô thị Phú Mỹ Hưng, PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, chỉ ra một trong những yếu tố để khu đô thị Phú Mỹ Hưng đi từ bản vẽ ra thực tế mà không bị phá vỡ quy hoạch chính là sự tham gia ngay từ đầu của nhà đầu tư trong công tác quy hoạch. Ông đánh giá, Tập đoàn CT&D, đơn vị đầu tư vào Phú Mỹ Hưng, là một nhà đầu tư có tâm và có tầm.
Từng có mặt ở Việt Nam trong hơn 20 năm qua, GS Volker Martin đặc biệt đánh giá cao sự phát triển theo hướng hòa hợp với thiên nhiên của khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Ông nhấn mạnh, nếu các đô thị trên thế giới đều chú trọng đến mảng xanh như Phú Mỹ Hưng sẽ góp phần đáng kể vào việc giải quyết vấn nạn nóng lên của trái đất.
Tạo giá trị mới về “chốn cư trú”
Là một trong những người đầu tiên tham gia xây dựng Phú Mỹ Hưng, ông Phan Chánh Dưỡng, Giám đốc Quỹ hỗ trợ cộng đồng Lawrence S.Ting, mang đến hội thảo một góc nhìn thú vị, với phong cách trình bày sinh động. Theo ông, vai trò của Phú Mỹ Hưng không chỉ dừng lại ở một khu đô thị, mà đó là hạt nhân tiên phong cho việc phát triển TP.HCM theo hướng đông, cũng như kết nối các trung tâm đô thị lớn như Cần Giờ, Vũng Tàu… “Không nên coi Phú Mỹ Hưng là một công ty đơn thuần kinh doanh địa ốc. Nếu xem như thế thì rất tội Phú Mỹ Hưng và không đánh giá hết tầm quan trọng của khu đô thị này”, ông Dưỡng nói.
PGS-TS Nguyễn Minh Hòa, Trưởng khoa Đô thị học, Đại học Quốc gia TP.HCM, cũng mang đến một hướng tiếp cận khác trong bài báo cáo của mình. Theo ông, Phú Mỹ Hưng góp phần định hình một phong cách sống mới, thay đổi quan niệm của mọi người về nơi cư trú, từ “một chỗ chui ra chui vào” đến “một không gian sống”. “Đó là một sự thay đổi ghê gớm, không chỉ trong người dân mà còn tác động đến tư duy của các cấp lãnh đạo. Mặt khác, Phú Mỹ Hưng đã góp phần tạo nên lối văn hóa ứng xử văn minh, lịch sự từ chính phong cách sống của khu đô thị này”.
Phát biểu kết luận hội thảo khoa học “20 năm xây dựng và phát triển khu đô thị Phú Mỹ Hưng”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam chia sẻ, trong chặng đường 20 năm phát triển, khu đô thị Phú Mỹ Hưng đạt được những thành quả rất đáng tự hào, được chính quyền, dư luận và nhân dân đánh giá rất cao.
Đánh giá về khu đô thị này không chỉ ở vai trò kinh tế mà còn ở góc độ văn hóa đô thị, những bài học về phát triển đô thị, luật pháp… ở Phú Mỹ Hưng đang được nghiên cứu để áp dụng vào các khu đô thị khác.
Y Linh
Nguồn: Thanh Niên