Bài học Phú Mỹ Hưng

Bài học Phú Mỹ Hưng


Ngày nay, những người dân sống ở Khu đô thị (KĐT) Phú Mỹ Hưng của vùng đất Nam Sài Gòn thường tỏ ra tự hào mỗi khi ai đó hỏi về nơi sinh sống của họ. Nhưng hơn 20 năm trước, đây chỉ là một vùng đầm lầy. Bí quyết nào đã đưa cái tên Phú Mỹ Hưng đồng nghĩa với một “KĐT kiểu mẫu Việt Nam”?

Các chuyên gia nhận định rằng, Phú Mỹ Hưng là sự kết tinh của quy hoạch, kiến trúc chuẩn mực với các giá trị văn hóa. Và đây cũng là KĐT mà các giá trị gia tăng trong sinh hoạt của người dân ngày càng được nâng lên.

* Nét đẹp văn hóa đô thị

Phú Mỹ Hưng được xem là KĐT điển hình mà triết lý nhân bản được tích hợp trong sự hiện đại và độc đáo của kiến trúc, quy hoạch. Phần lớn không gian KĐT này dành cho cộng đồng với cây xanh, công viên, hồ nước để người dân có thể vui chơi, giải trí, tập thể dục… Hệ thống công viên, hồ nước, cây xanh được bố trí đều khắp các khu phố, khu chức năng.

Những con phố đi bộ ở tầng 2 nối kết các tòa nhà, như: khu Sky Garden, quảng trường hướng sông của khu phố Riverside Residence, hay là những công trình như: The Crescent, cầu Ánh Sao, trung tâm mua sắm Crescent Mall… hiện là điểm đến của người dân thành phố.

“Hồn” đô thị từ Phú Mỹ Hưng thể hiện ở không gian mang tính cầu nối. Người dân ở đây có cơ hội gặp gỡ trao đổi với nhau. Cầu nối này kéo gần mọi người lại với nhau, thân thiện và hòa đồng hơn. Con số 8,9m2 diện tích cây xanh trên đầu người tại Phú Mỹ Hưng là biểu hiện sinh động về chất lượng môi trường tại đô thị này.

Trong quy hoạch Phú Mỹ Hưng, mô hình giao thông “ô bàn cờ” nổi tiếng trên thế giới được áp dụng. Đường sá được bố trí dựa trên cấu trúc đường phố chính và phụ, yếu tố quyết định cho việc điều phối giao thông trong trung tâm đô thị và ra đại lộ Nguyễn Văn Linh (rộng 120m, gồm 10 làn xe) cũng như đi tới những nơi khác ở Nam Sài Gòn. Đại lộ Nguyễn Lương Bằng (rộng 48m, gồm 6 làn xe) là đường chính dẫn tới Khu thương mại tài chính quốc tế, khu The Crescent, khu y tế điều dưỡng, khu Nam Viên. Đường chính và phụ này cắt nhau vuông góc, nhằm tạo điều kiện sinh hoạt đi lại thoải mái, thuận tiện trong trung tâm đô thị và giữa KĐT với bên ngoài.

Không chỉ “người Phú Mỹ Hưng”, cư dân các khu vực lân cận cũng chọn khu này làm nơi đi bộ mỗi sáng sớm, chiều tối để thưởng thức không khí trong lành. Hơn 90% nước thải sinh hoạt trong KĐT này đều được xử lý và tái sử dụng cho tưới cây, rửa đường.

* Không gian của giáo dục

Với những cư dân đô thị có thu nhập cao, việc chọn lựa nơi sinh sống không chỉ có môi trường tốt cho sức khỏe, nhiều tiện ích, dịch vụ mà còn có các điều kiện giáo dục tốt cho con cái, giúp trẻ hình thành, phát triển nhân cách, trí tuệ lành mạnh. Và hẳn nhiên, ở môi trường ấy, trẻ được phát triển tốt nhất cả về thể chất và xúc cảm. Bên cạnh đó, được sống trong một môi trường văn minh, cộng đồng thân thiện, tiếp xúc những ứng xử văn hóa, chắc chắn tâm hồn trẻ sẽ được rèn giũa sáng và đẹp hơn.

Phú Mỹ Hưng có một hệ thống cơ sở giáo dục đa dạng về loại hình, đầy đủ về bậc đào tạo từ mầm non cho đến THPT được phát triển quy củ như các trường quốc tế Nam Sài Gòn, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Bắc, Canada… và xung quanh là các trường đào tạo nâng cao, như: Đại học RMIT, Cao đẳng công nghệ và quản trị doanh nghiệp…

Hệ thống trường học tại Phú Mỹ Hưng cũng được quy hoạch trong khoảng cách đi bộ, ngay gần nhà, giúp các bậc cha mẹ thuận tiện hơn trong việc đưa đón con đi học và thúc đẩy ở trẻ sự yêu mến trường lớp…

Tất cả những điều ấy đã tạo cho Phú Mỹ Hưng thành KĐT kiểu mẫu, hấp dẫn nhiều người.

Phú Mỹ Hưng không chỉ là các công trình nhà ở hiện đại, khu thương mại sầm uất hay hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh để ở, làm việc, tận hưởng cuộc sống, tái tạo sức lao động và nuôi dưỡng cảm xúc tâm hồn với một không gian sống thiên nhiên xanh, mát đầy sức sống mà còn là các khu chức năng dành cho giáo dục, y tế điều dưỡng… tạo nên những giá trị cộng đồng với sự đồng bộ, cân bằng.

TIN TỨC KHÁC