Dự án nhà ở trong khu đô thị mới: Được huy động vốn sau khi khởi công

Dự án nhà ở trong khu đô thị mới: Được huy động vốn sau khi khởi công


Bộ Xây dựng vừa có công văn 1894/BXD-PTĐT (ngày 18/9/2008) trả lời Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng về kiến nghị cho phép Phú Mỹ Hưng được huy động vốn theo đúng quy định của Nghị định 02/2006 về việc ban hành quy chế khu đô thị mới; và Thông tư 04/2006 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện Nghị định 02/2006.

Bộ Xây dựng xác định: Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng được cấp giấy phép đầu tư xây dựng khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng từ năm 1993, quy mô diện tích 600 ha, trong đó riêng khu A có diện tích 484,2 ha. Như vậy đây là dự án khu đô thị mới bao gồm các hạng mục khu nhà ở, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

Theo Bộ Xây dựng, mục VIII của Thông tư 04/2006 (hướng dẫn khoản 2 Điều 23 của Nghị định 02/2006) được hiểu như sau: Hạng mục nhà ở trong các dự án khu đô thị mới: Chỉ được huy động vốn của khách hàng khi đã triển khai đầu tư hạng mục nhà ở, nghĩa là sau khi thiết kế cơ sở được thẩm định, thiết kế bản vẽ thi công hạng mục được phê duyệt và đã thực hiện khởi công hạng mục này.

Như vậy, với công văn 1894/BXD-PTĐT của Bộ Xây dựng trả lời Công ty Phú Mỹ Hưng, có thể hiểu, chủ đầu tư ở các dự án khu đô thị mới có thể huy động vốn của khách hàng sau khi khởi công hạng mục nhà ở (chẳng hạn đóng một móng cọc, …), mà không nhất thiết phải hoàn tất xong phần móng mới được huy động vốn.

Tuy nhiên, quy định này không áp dụng cho các dự án đầu tư xây dựng căn hộ, đất nền đơn lẻ, không nằm trong các khu đô thị mới theo quy định của Nghị định 02/2006.

Cần nói rõ thêm, theo Nghị định 02/2006, dự án khu đô thị mới phải có quy mô từ 50 ha trở lên; trường hợp diện tích đất để dành cho dự án nằm trong quy hoạch đất đô thị nhưng bị hạn chế bởi các dự án khác hoặc bởi khu đô thị đang tồn tại thì cho phép dự án khu đô thị mới có quy mô dưới 50 ha nhưng không được nhỏ hơn 20 ha.

Cũng theo khoản 2, điều 23 của nghị định này: “Nghiêm cấm việc sử dụng dự án nhà ở chưa triển khai đầu tư để huy động, chiếm dụng vốn của người mua nhà dưới mọi hình thức”.

Và mục VIII của Thông tư 04/2006 ghi rõ: “Việc huy động vốn để đầu tư xây dựng nhà ở trong dự án khu đô thị mới được thực hiện nhiều lần thông qua hợp đồng giữa bên bán và bên mua, lần đầu chỉ được huy động khi chủ đầu tư đã giải phóng mặt bằng và bắt đầu triển khai xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật theo giai đoạn đầu tư được xác định trong quyết định cho phép đầu tư.

Các lần huy động tiếp theo được thực hiện phù hợp với tiến độ đầu tư xây dựng, nhưng tổng số tiền huy động không vượt quá 70% giá trị hợp đồng”.

TIN TỨC KHÁC