Chương trình “Tiến bước cùng IT”: chủ động, sáng tạo để có cách dạy hay, học hay
Chương trình “Tiến bước cùng IT” do Quỹ Hỗ trợ Cộng đồng Lawrence S.Ting phối hợp với Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng thực hiện đã hoàn tất giai đoạn một trong năm vừa qua. Tại 64 trường trung học của 64 tỉnh thành trên cả nước, các phòng máy tính đã được lắp đặt và đưa vào sử dụng ngay. Với mục đích hỗ trợ giảng dạy tin học trong các trường phổ thông trung học, chương trình này đã nhận được sự quan tâm của dư luận, sự ủng hộ của các địa phương và ngành giáo dục.
Để chuẩn bị kế hoạch cho giai đoạn 2 của chương trình, Quỹ Lawrence S. Ting đã thực hiện khảo sát, đánh giá kết quả hoạt động ban đầu của các phòng máy tại 19 trường. Đây là nội dung cuộc trao đổi với ông Phan Chánh Dưỡng, Giám đốc Quỹ.
Thưa ông, việc Quỹ Hỗ trợ Cộng đồng Lawrence S. Ting đã lắp đặt phòng máy tính tại 64 trường trên cả nước trong khoảng thời gian ngắn đã gây ấn tượng mạnh với công chúng. Xin ông cho bạn đọc biết tình hình sử dụng các phòng máy này như thế nào?
Ông Phan Chánh Dưỡng: Việc hoàn thành và đưa vào sử dụng các phòng máy tính tại các trường, trong đó có nhiều trường điều kiện vật chất còn rất khó khăn hoặc ở vùng sâu vùng xa là kết quả của những nỗ lực rất lớn của Quỹ Lawrence S Ting. Tất cả các phòng máy đã được các trường đưa vào sử dụng, góp phần vào việc tin học hoá giảng dạy và học tập tại bậc trung học. Các địa phương, ngành giáo dục, học sinh và cả phụ huynh đều đánh giá cao nỗ lực của Quỹ. Chúng tôi rất phấn khởi với những kết quả quan trọng của một năm làm việc khẩn trương và nghiêm túc này. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn coi đây mới chỉ là bước đầu của một chương trình dài hạn. Điều mà chúng tôi luôn luôn quan tâm đó là hiệu quả của những cơ sở vật chất mà Quỹ đã tài trợ. Chúng tôi luôn đặt các câu hỏi và tìm cách giải đáp như là: Cách tổ chức phòng học tin học như vậy đã là tối ưu chưa? Còn thiếu những gì? Cách học và dạy có đáp ứng được yêu cầu tin học hoá hay không? Cần phải làm gì tiếp theo, phải điều chỉnh cái gì để chương trình này thật sự có ích và bền vững?
Và kết quả sử dụng bước đầu ra sao thưa ông?
Ông Phan Chánh Dưỡng: Nếu như giai đoạn 1 của chương trình đã kết thúc tháng 7 vừa qua, thì ngay sau đó chúng tôi đã tiến hành khảo sát, đánh giá kết quả hoạt động của các phòng máy tại các tỉnh thành. Tính đến nay, chúng tôi đã quay lại khảo sát tại 28 trường tại 28 địa phương. Nhìn chung tôi nhận thấy là các trường đã tiếp nhận và đưa vào sử dụng khá tốt các trang thiết bị mà chúng tôi chuyển giao. Như báo chí đã đưa tin, chương trình “Tiến bước cùng IT” nhắm đến các trường có điều kiện khó khăn để giúp họ tin học hoá dạy và học, theo chủ trương phổ cập tin học giáo dục trung học phổ thông của Bộ Giáo dục. Tuy nhiên tại một số địa phương, thể theo đề nghị của ngành giáo dục, chúng tôi dành hỗ trợ cho một số trường có điều kiện vật chất và năng lực để họ phát huy thế mạnh, nâng trình độ dạy và học tin học lên một mức cao hơn. Điều bất ngờ là ngay tại một số trường có điều kiện vật chất rất hạn chế nhưng do ban giám hiệu quyết tâm khai thác hiệu quả phòng máy, cộng với đội ngũ giáo viên có tinh thần đổi mới nên kết quả dạy và học tin học cũng như áp dụng tin học vào giảng dạy nói chung đã tiến một bước dài so với trước.
Được biết giai đoạn hai của chương trình “Tiến bước cùng IT” nhằm vào việc tối ưu hóa hoạt động của các phòng máy. Sau khi khảo sát kết quả ban đầu của một số trường, ông cho rằng những yếu tố nào quyết định hiệu quả sử dụng?
Ông Phan Chánh Dưỡng: Qua thực tế chúng tôi nhận thấy rằng yếu tố con người quyết định rất nhiều hiệu quả của trang thiết bị. Đặc biệt chúng tôi nhận thấy vai trò của hiệu trưởng rất quan trọng. Một hiệu trưởng giỏi luôn biết vận động và tổ chức giáo viên sử dụng hiệu quả và sáng tạo. Không có nòng cốt này thì sự đầu tư vật chất mới chỉ giải quyết được nhu cầu cập nhật về mặt phần cứng cho việc tin học hóa học đường chứ chưa thật sự khai thác các tiềm năng. Để có một bước tiến xa trong việc dạy và học bằng công nghệ thông tin thì cần phải có giáo viên có năng lực cộng với tư duy đổi mới của người lãnh đạo. Chúng tôi sẽ phải cố gắng để tránh tình trạng thụ động của các trường trong việc khai thác phòng máy. Bên cạnh đó chúng tôi thấy rằng chương trình có hiệu quả hay không, một phần quan trọng còn phụ thuộc vào điều kiện của cơ sở hạ tầng như điện, phòng ốc.., vào sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và cả sự ủng hộ của phụ huynh nữa.
Vậy xin ông cho biết kế hoạch của giai đoạn 2 tới đây?
Ông Phan Chánh Dưỡng: Ban đầu chúng tôi dự trù là sẽ tổ chức một cuộc bồi dưỡng kiến thức tập trung cho giáo viên tin học các trường đã nhận phòng máy, sau đó sẽ là một khóa bồi dưỡng nâng cao để có thể đưa những kiến thức và kinh nghiệm tiên tiến nhất vào nhà trường. Nhưng qua khảo sát vừa rồi thì chúng tôi nhận thấy là một số trường đã năng động tự cập nhật phương pháp dạy và học rất hiện đại. Cho nên chúng tôi đã quyết định điều chỉnh cách làm trong giai đoạn hai này.
Trước hết là về phần cứng, chúng tôi sẽ đầu tư thêm cho 24 trường trong số 64 trường đã có phòng máy. Đối với các trường đã áp dụng giáo án điện tử, chúng tôi sẽ cung cấp thêm máy chiếu, máy tính xách tay. Chúng tôi sẽ chọn một số trường đã đủ điều kiện về giáo viên, giáo án điện tử của các môn để tổ chức dạy thí điểm theo mô hình mới là tập trung học sinh học trên giảng đường lớn cho từng nhóm từ 120 đến 150 em. Trên giảng đường như vậy sẽ có 1 giáo viên chính và 3 giáo viên trợ giảng. Cách học, kiểm tra và chấm bài cũng theo phương pháp mới, được tin học hóa. Chúng tôi hy vọng học sinh sẽ chủ động hơn trong giờ học.
Về phần ứng dụng, trong năm 2008, chúng tôi sẽ mời giáo viên các trường tham dự hội thảo về sử dụng phòng máy. Tại đó, những trường làm tốt sẽ trình bày kinh nghiệm của họ. Sau đó chúng tôi sẽ phân giáo viên thành nhóm thành thạo và nhóm cần được bồi dưỡng thêm. Chúng tôi sẽ mở các lớp để những thày cô giỏi áp dụng tin học hướng dẫn lại cho các thày cô khác. Đối với những thày cô đã làm tốt chúng tôi sẽ tổ chức tập huấn nâng cao. Phía Quỹ sẽ thảo luận với các chuyên gia trong và ngoài nước để thảo ra một nội dung đào tạo để nâng cao trình độ cho các thày giỏi. Những người này sẽ quay trở về cơ sở để hướng dẫn lại cho các đồng nghiệp khác tại trường mình. Chúng tôi còn tính đến việc đưa một số thày cố xuất sắc đi tập huấn ở nước ngoài hoặc mời chuyên gia nước ngoài đến để trực tiếp bồi dưỡng.
Như vậy mục đích cao nhất của chương trình “Tiến bước cùng IT” là cải cách về phương pháp dạy và học?
Ông Phan Chánh Dưỡng: Đúng vậy. Chúng tôi cố gắng làm thay đổi cách dạy và học ở bậc trung học, góp phần cải cách giáo dục một cách căn bản. Việc này cũng không nằm ngoài chủ trương chung của ngành giáo dục đào tạo. Chúng ta phải sử dụng triệt để kiến thức và công nghệ nhằm xây dựng cách dạy và học hiện đại, hiệu quả. Chúng tôi khuyến khích các trường chủ động và sáng tạo trong sử dụng những phương tiện mà chương trình đã cung cấp để có những cách học hay, dạy hay.