Khi doanh nhân nước ngoài làm việc thiện : Hành trình thực hiện lời ước nguyện

Khi doanh nhân nước ngoài làm việc thiện : Hành trình thực hiện lời ước nguyện


Kinh tế hội nhập, đất nước ngày càng mở cửa đón tiếp nhiều doanh nhân, nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào hoạt động. Trong quá trình làm việc, gắn bó với Việt Nam, rất nhiều người trong số họ đã yêu mến xem Việt Nam như quê hương thứ 2 của mình, và những hoạt động từ thiện mà họ đã và đang cống hiến cho cộng đồng, xã hội Việt Nam thật đáng trân trọng.

Chúng tôi xin giới thiệu dưới đây những lời tâm sự rất chân tình về một cách làm việc thiện hiệu quả và đầy ý nghĩa của bà Ting Fei Tsong Ching, Chủ tịch Ủy ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ Cộng đồng Lawrence S.Ting, một doanh nhân nước ngoài luôn xem Việt Nam là quê hương thứ 2 của mình.

Là một tình nguyện viên cho tổ chức từ thiện phi chính phủ suốt 23 năm qua, tôi luôn cảm thấy rằng không có những người cần ta giúp đỡ, mà chính ta mới là người cần giúp đỡ người khác. Cách đây 15 năm, ông Lawrence S.Ting-chồng tôi cùng với Tập đoàn CT&D đã quyết định đầu tư các dự án có quy mô lớn tại Việt Nam.

Sự lựa chọn ấy không chỉ xuất phát từ việc nhận ra những tiềm năng to lớn ẩn chứa trong một vùng đất chưa được khai phá, hay các yếu tố thuận lợi sẵn có như lực lượng lao động trẻ trình độ cao, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, nền chính trị ổn định, chính sách đầu tư nước ngoài liên tục được cải thiện… mà quan trọng hơn cả là tình cảm đậm đà mà ông S.Ting (Cố chủ tịch tập đoàn CT&D và Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng) dành cho nơi đây.

Bởi như ông vẫn thường nói, ngay trong lần đầu tiên đặt chân đến Việt Nam, ông thấy Việt Nam lúc bấy giờ rất giống quê hương Đài Loan ngày ông còn trẻ. Đó chính là lý do ông đã sớm khẳng định, xem đây là quê hương thứ hai của chúng tôi. Vào khoảng năm 2000 ông S.Ting đã xin phép Ủy ban Nhân dân TPHCM thành lập quỹ hỗ trợ cộng đồng mang tên “Tân Phú” (ghép tên từ Công ty Liên doanh Tân Thuận và Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng), với ý định năm 2005 ông sẽ nghỉ hưu để làm việc từ thiện, thế nhưng ông đã qua đời khi ước nguyện của mình chưa thành…

Bà Ting Fei TSong Chinh nhận phần thưởng “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” do Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân trao tặng.

Sinh thời ông S.Ting luôn quan tâm đến sự nghiệp giáo dục và đào tạo, đặc biệt là đào tạo nhân tài cho thế hệ trẻ. Tương lai của đất nước nằm trong tay thế hệ trẻ được giáo dục tốt. Do vậy, công trình đầu tiên được ông xây dựng tại Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng là Trường Dân lập Nam Sài Gòn, sau đó ngôi trường này đã được chúng tôi hiến tặng cho Sở Giáo dục-Đào tạo TPHCM. Khi ông S.Ting qua đời vào năm 2004, chúng tôi đã được UBND TPHCM cho phép thành lập Quỹ Hỗ trợ Cộng đồng Lawrence S.Ting để tưởng niệm về ông. Với quỹ này, chúng tôi trao học bổng cho học sinh, sinh viên xuất sắc của các trường phổ thông và đại học để động viên, khuyến khích các em.

Thông qua sự hợp tác với các quỹ hội từ thiện khác, chúng tôi cũng trao nhiều học bổng để giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, thời gian qua chúng tôi đã thực hiện một chương trình tài trợ thiết thực và đầy ý nghĩa mang tên “Tiến bước cùng IT”. Với chương trình này, tại mỗi tỉnh thành trong 64 tỉnh thành, chúng tôi sẽ chọn một trường học để trao tặng một phòng máy vi tính với thiết bị hoàn chỉnh. Từ tháng 7-2006 đến nay, chương trình đã hoàn tất giai đoạn 1 với 1.527 máy tính và nhiều thiết bị cần thiết khác trị giá khoảng 20 tỷ đồng đã được chúng tôi cống hiến, hỗ trợ cho ngành giáo dục Việt Nam.

Chúng tôi hy vọng không những học sinh mà phụ huynh các em và các trường lân cận cũng có thể đến để sử dụng các trang thiết bị này, do vậy giấc mơ đưa máy tính vào trường học sẽ trở thành hiện thực sớm hơn so với trước kia. Và tôi tự nhủ, trong tất cả hoạt động mang tính xã hội từ thiện mà tôi và các cộng sự của mình đã và đang làm cũng là nhằm thực hiện lời ước nguyện chân thành và đầy ý nghĩa của ông S.Ting-chồng tôi, người luôn xem Việt Nam là quê hương thứ 2 của mình.

(Nguồn: Báo SGGP ngày 17/09/2007)

TIN TỨC KHÁC