Một con người tận tụy với Việt Nam
Cái chết của ông Lawrence S. Ting đã để lại trong lòng những đối tác Việt Nam cùng làm việc với ông bao niềm thương tiếc. Người ta nhớ đến ông như một con người lao đông tận tụy và nghiêm túc, có tư tưởng táo bạo, đã tiên phong trong việc xây dựng khu đô thị trên đầm lầy, biến vùng đất hoang sơ trở thành một khu đô thị sầm uất xinh tươi, hiện đại. Con người này đã dành nhiều thiện cảm cho Việt Nam, vùng đất nơi ông đã đến làm việc, đã xem như là quê hương thứ hai của mình.
Biến đổi một vùng đất
Nhớ lại cách đây hơn 10 năm, khu vực quận 7, Nhà Bè phía Nam Sài Gòn là một vùng đất đầm lầy chua mặn hoang sơ. Nhưng cũng từ đây, một khu chế xuất đã mọc lên. Khu chế xuất Tân Thuận ra đời từ đó. Dự án này đã vinh dự được nhận giải thưởng xếp hạng nhất trong các khu chế xuất khu công nghiệp Châu Á – Thái Bình Dương.
Làm nền tảng cho sự hình thành khu đô thị Phú Mỹ Hưng và hình thành khu đô thị hướng ra biển Đông sau này, phải kể đến con đại lộ Nguyễn Văn Linh huyết mạch. Đại lộ Nguyễn Văn Linh dài 17,8km với lộ giới 120m đảm bảo 10 làn xe. Ngoài việc giải tỏa ách tắc giao thông cho trung tâm Sài Gòn, đại lộ này hình thành trục xương sống huyết mạch liên kết các khu chức năng và là trục giao thông quan trọng nối liền khu chế xuất Tân Thuận, cảng Bến Nghé với quốc lộ 1A, tạo cơ hội phát triển toàn vùng.
Khu đô thị Phú Mỹ Hưng nằm trong tổng thể chương trình phát triển Nam Sài Gòn, với tổng đầu tư 242 triệu USD, phức hợp, với 21 khu chức năng, phát triển song hành với trung tâm đô thị Sài Gòn. Vùng đất sình lầy chua mặn dường như không có một giá trị đáng kể nào, đến nay đã trở thành một vùng kinh tế phát triển sôi động với khu đô thị văn minh, hiện đại tầm cỡ khu vực và thế giới.
Trong ý đồ quy hoạch tổng mặt bằng, thành phố Hồ Chí Minh được xác định là thành phố đa trung tâm, có thể nói khu đô thị hiện đại Phú Mỹ Hưng là trung tâm Nam Sài Gòn. Phạm vi ảnh hưởng của trung tâm Nam Sài Gòn không chỉ là Tân Thuận, mà còn có khu Hiệp Phước, các khu đô thị mới hình thành dọc tuyến đường Nguyễn Văn Linh, trải dài chiếm gần như toàn bộ huyện Nhà Bè và phần phía Nam huyện Bình Chánh 2.600ha. Ngoài khu chế xuất Tân Thuận có hơn 40.000 công nhân, xung quanh khu vực của dự án này đã và đang tập hợp, huy động hàng ngàn tỷ đồng và hàng vạn lao động, tạo ra một lực hấp dẫn, sức thu hút mạnh mẽ, làm cho vùng này phát triển dồn dập và biến đổi hàng ngày. Trong tương lai Phú Mỹ Hưng sẽ có giao thông thuận tiện với trung tâm thành phố Hồ Chí Minh bằng trục Bắc – Nam và sẽ nối kết với phía Đông dễ dàng hơn bởi cầu Phú Mỹ vượt qua sông Sài Gòn.
Bên cạnh một khu chế xuất, một khu đô thị đẹp như được vẽ trong tranh, phía đối tác Đài Loan còn đóng góp cho nơi đây một nhà máy nhiệt điện Hiệp Phước tổng vốn đầu tư 350 triệu USD bằng 100% vốn nước ngoài. Với công suất 375MW, nhà máy này đảm trách có lúc lên đến 40% lượng điện cung ứng cho TP.HCM vào mùa cao điểm. Cộng với đó là vùng rừng trồng ở Kiên Giang 23.000ha, một diện tích mà đến giờ chưa có kỷ lục trồng rừng nào vượt qua.
Một tinh thần doanh nghiệp
Trong những tháng ngày cùng nhau làm việc, gầy dựng trên vùng đất nặng nhọc gian lao, những người đối tác, cộng sự hoặc có công việc liên quan, đều có chung một cảm nghĩ như nhau về một con người cần mẫn, ngày đêm cặm cụi với công việc. Không phải đến bây giờ, sau khi ông đã gieo mình quyên sinh, mà từ trước đây người ta cũng đã nói về ông Lawrence S. Ting với sự mến yêu trân trọng. Hầu như tất cả những điều nói về thành công của khu đô thị luôn gắn với tên ông. Trong ý nghĩ của những người còn lại, việc hình thành nên khu đô thị hướng ra biển Đông, công lao đâu tiên là của con người này.
Khi vẫn đang là một nhà kinh doanh trong lĩnh vực nhựa, nhưng khi đầu tư vào Việt Nam, lĩnh vực đầu tiên ông Lawrence S. Ting chọn thực hiện là xây dựng khu chế xuất. Và ông đã dám táo bạo chọn phương án xây dựng khu đôthị trên vùng đất chỉ toàn bùn lầy nhão nhoét.Thoạt đầu, hầu như không ai dám tin rằng dự án này có thể thành công. Mười năm hồi tưởng lại, ông Đậu Ngọc Xuân, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư, vẫn thấy câu chuyện còn như rất mới: “Khi cấp giấy phép thành lập liên doanh chúng tôi nghĩ cấp thì cấp chứ chưa chắc đã làm được”. Ông Xuân nói về ông Lawrence S. Ting: “Chúng tôi đã thấy tất cả lòng nhiệt tình và lòng trung thực của ông Lawrence S. Ting. Ông Ting đã làm được nhiều điều mà ông đã hứa. Tôi còn nhớ tất cả những điều mà ông đã hứa hẹn với chúng tôi trong buổi ban đầu khi ông mới sang Việt Nam”.
Ông Lữ Minh Châu, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư kiêm Trưởng Ban quản lý các khu chế xuất – khu công nghiệp TP.HCM nói về con người này cũng rất trân trọng: “Dự án khu chế xuất Tân Thuận đến các dự án tiếp theo là nhà máy điện Hiệp Phước và khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng đều gặp không ít khó khăn buổi ban đầu. Trong lúc bấy giờ nhiều nhà đầu tư khác chưa dám đầu tư vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng nhưng CT&D mà người đứng đầu là ông Lawrence S. Ting làm được điều đó”. Chỉ nói khó khăn trong kỹ thuật thôi chưa đủ, sẽ không thể nào thấy hết những nỗ lực đột phá mà ông S.Ting đã vượt qua trong buổi
đầu. Còn nhớ, lúc bấy giờ, quan hệ đối ngoại của Việt Nam còn trong muôn vàn khó khăn bởi bao vây, cấm vận. Ngay trong thời điểm đó, ông Ting đã đến, với niềm tin chân thành vào môi trường đầu tư, với đất nước này. Ngày ấy những quy định về luật pháp, chính sách còn sơ khai, quá trình đàm phán, thẩm định, phê duyệt từng dự án cụ thể còn rất nhiều khó khăn, phức tạp. Cả hai bên vừa làm, vừa học hỏi, vừa rút kinh nghiệm lẫn nhau, với một thái độ hết sức thiện chí và xây dựng. “Chính đức tính này của ông Ting là điều chúng tôi rất hoan nghênh, và cũng nhờ đức tính này đã đưa ông và công ty đến những thành công” – Ông xuân nói. Bây giờ ai cũng phải công nhận, đầu tư vào Phú Mỹ Hưng là một bước đột phá, là một niềm tin lớn lao của ông Ting vào môi trường đầu tư, vào Chính phủ Việt Nam.
Chính vì những nỗ lực một cách tận tình đó mà trong quá trình làm việc ở đây, ông đã được các nhà lãnh đạo, đối tác Việt Nam đã dành cho nhiều thiện cảm. Điều đó được thể hiện ở lời nhận xét của ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp, nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM: “Qua những công việc thực tiễn, tôi hết sức thông cảm với những gian nan, khó khăn mà tập đoàn CT&D đã trải qua, nhất là ông Lawrence S. Ting. Nếu không có tấm lòng vì lợi ích chung, không nhìn xa, trông rộng, không kiên trì nhẫn nại, thì làm sao có được Nhà Bè, quận 7 từ một vùng đất nghèo nàn, bây giờ trở thành khu đô thị sung túc, văn minh bậc nhất phía Nam này”.
Trong những ngày làm việc ở Việt Nam, hình ảnh của ông Chủ tịch tập đoàn CT&D và Chủ tịch HĐQT công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng đọng lại trong mỗi nhân viên, trong những người đồng sự là một con người luôn cần mẫn, chăm chỉ, nghiêm túc và say sưa với công việc. Một chi tiết tưởng chừng rất nhỏ mà nhân viên của Phú Mỹ Hưng vẫn còn nhớ, là việc ông Lawrence S. Ting buộc sơn lại toàn bộ hai tòa nhà 4 tầng. Hai khu nhà khu Mỹ An – Mỹ Cảnh đã được đưa vào bán cho người sử dụng từ năm 1998. Đến năm 2001, khi phát hiện công nhân sơn không đúng quy cách, ông Ting đã yêu cầu sơn lại toàn bộ. Động tác này cho thấy hơn hết, là mặc dù làm Chủ tịch HĐQT, với số tiền lớn, nhưng con người này vẫn quan tâm đến những công việc nhỏ nhất, cẩn thận và trách nhiệm.
Không những thế, người ta còn nhìn thấy được tấm lòng, tâm huyết của ông Chủ tịch HĐQT khi ông vận động các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Đến bây giờ giới kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ thông tin vẫn còn nhớ, khi từ năm 2001, đích thân ông Ting đã đưa một phái đoàn sang Hoa Kỳ vận động đầu tư cho dự án khu công nghiệp phần mềm Tân Thuận. Ông đã như một nhà maketting cho Việt Nam trong việc mời gọi các nhà đầu từ nước ngoài đến đây.
Đến chết vẫn một niềm thiện cảm với Việt Nam
Hầu như tất cả những người làm việc tiếp xúc thường xuyên với ông, mà những đối tác phía Việt Nam nhìn ra rõ nhất, là ông luôn xem những người cùng làm việc như tình bạn hữu. Một cán bộ lãnh đạo phía đối tác Việt Nam kể lại, kể cả trong những ngày khó khăn vừa qua, khi giữa Bộ Kế hoạch Đầu tư Việt Nam và Phú Mỹ Hưng chưa thống nhất được với nhau một số vấn đề, người ta vẫn thấy những khi bàn bạc trong nội bộ công ty, ông vẫn với một tinh thần hết sức xây dựng. Kể cả cuộc họp gần đây nhất vào tháng 8, khi hai bên chưa tìm được tiếng nói chung, người tavẫn chứng kiến ông với những lời phát biểu điềm đạm và thiện chí. Ở bất cứ đâu, ông Chủ tịch HĐQT cũng vẫn cho rằng, Việt Nam là môi trường đầu tư rất tốt, và ông tin rằng ông sẽ thành công trong làm ăn với đất nước này. Ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Hội xây dựng Việt Nam nói về ông Ting: “Qua dự án khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, tôi thấy nhà đầu tư đã bỏ ra nhiều tâm huyết, yêu mến đất nướcViệt Nam, tôn trọng con người Việt Nam. Tôi có thể hình dung được phần nào thách thức mà họ đã phải vượt qua”.
Ông Ting đã có vinh dự được nhận bằng khen của UBND TP.HCM, là thương nhân nước ngoài đầu tiên được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, ông rất tự hào về vinh dự này. Ông khẳng định: “Tôi đã đem những năm tháng tốt nhất của cuộc đời mình phụng hiến cho đất nước Việt Nam”. Chính vì tất cả những lẽ đó, ông ghét những người nói xấu Việt Nam: “Điều mà chúng tôi căm giận là thấy người khác ác ý gây cản trở sự phát triển của Việt Nam. Chúng tôi rất ác cảm với những người sau lưng đi nói xấu Việt Nam”. Tiếc rằng chính những bất đồng nội bộ của những nhà đầu tư Đài Loan đã đẩy ông chọn cái chết. Trong vài ngày tới, một số người trong đó có cả những người Việt Nam, sẽ sang Đài Loan viếng lễ tang. Ông S.Ting mất đi, nhưng tâm huyết mười năm qua sẽ có người kế nghiệp, như lời kỳ vọng có lần ông đã nói trước đông người: “Trên vùng đất chua mặn mà từ xưa đến nay chưa được khai phá, có một tốp người đã bỏ tâm lực suốt 15 năm để tạo dựng nên khu đô thị. Và ngày hôm nay, có một tốp người khác đang tiếp tục cố gắng cho một phương hướng lớn hơn là phát triển thành phố Hồ Chí Minh ra hướng biển Đông”.