Những con đường chở đầy nỗi nhớ


 

Con đường đầu tiên tôi muốn nhắc đến là đại lộ xanh Nguyễn Văn Linh. Nơi tôi ở và làm việc đều nằm dọc theo trục đường này. Không chỉ ngày ngày đón đưa tôi và bao người khác, từ buổi sơ khai, đại lộ này đã mang sứ mệnh quan trọng hơn thế nhiều: băng qua đầm lầy để thay đổi diện mạo Nam Sài Gòn; là trục huyết mạch kết nối thông suốt Nam Sài Gòn với các quận nội thành, khu vực Đông và Tây Nam Bộ.

Cũng bởi vậy mà Nguyễn Văn Linh là trục đường tất bật nhất đô thị với đủ loại phương tiện ngược xuôi. Mùa giãn cách, con đường dường như được “nghỉ ngơi” đôi phần khi lưu lượng giao thông giảm đáng kể. Chỉ có những tán cây là xanh mãi suốt bao mùa. Có lẽ đây là tuyến đại lộ xanh nhất thành phố với nhiều loại cây, trong đó có Phượng vỹ, xen lẫn ở tầng thấp hơn có cả hoa giấy. Tôi thích nhất những ngày mùa hè, đi dưới hàng cây xanh tươi mát rượi, ngắm hoa phượng đỏ rực một góc trời, nghe tiếng ve râm ran, cảm giác như mình vẫn còn là cô sinh viên năm nào.

Cùng với Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Lương Bằng cũng là tuyến đường quan trọng trong hệ thống giao thông đô thị. Nhiều buổi tan ca, tôi vẫn thường cùng bạn bè đi dọc trục đường này, đến các công viên ở Nam Viên tản bộ, men theo lối dạo ven sông nhìn con nước khi lên lúc xuống, hít thở bầu không khí điền viên trong lành. Cũng có khi, cả bọn lê la mấy quán quen dọc phố, và chỉ cần thế, chiều cuối tuần đã rôm rả âm thanh.

Gần 3 năm gắn bó với nơi đây, mỗi con đường, góc phố, dường như đều gắn liền với một kỉ niệm nào đó. Trần Văn Trà là con đường bao lần đứng ngắm hoàng hôn buông trên giàn hoa giấy. Phố Tôn Dật Tiên nhẹ nhàng uốn theo Hồ Bán Nguyệt lúc nào cũng phảng phất gió mát mà tôi thường lang thang khi cần ý tưởng mới cho công việc…

Có một điều thú vị, gần như mỗi con đường ở Phú Mỹ Hưng đều dẫn đến dòng sông, nên chẳng ai bị lạc đường bao giờ. Chỉ cấn lấy mốc một khúc sông nào đó, thì chắc chắn sẽ gặp nhau tại điểm hẹn. Hệ thống giao thông được quy hoạch gồm các trục chính và đường phụ vuông góc tựa như ô bàn cờ. Cách bố trí đường sá thông minh, không có bất cứ ngõ, hẻm nào giúp tăng mức độ an toàn, không gây ách tắc giao thông dù giờ cao điểm, hay mật độ dân cư đạt tối đa vì người tham gia giao thông có nhiều hướng di chuyển và dễ quan sát.

Một hình ảnh đặc trưng trên đường phố tại Phú Mỹ Hưng là những anh bảo vệ đều đặn đi tuần, vừa giữ gìn an ninh đô thị vừa kịp thời xử lý, điều phối giao thông khi có sự cố xảy ra. Sẽ không có gì là nói quá, khi đưa các anh lên hàng “google map biết tuốt”, bởi hơn ai hết, họ là người thông thạo từng ngả đường, con phố nơi đây, chỉ cần hỏi, bạn sẽ đến nơi cần tìm trong một nốt nhạc.

Những ngày giãn cách, hình ảnh phố xá, không  gian, hương vị từ những “khoảng thở” đô thị cứ quay quắt trong tim. Và tôi nhận ra, từ ngày chuyển đến đây sinh sống, tôi rất thích tản bộ. Có thể đi nhiều, ngắm lâu, nên “sự nhớ” cứ đằm sâu trong ký ức. Những con đường với vỉa hè rộng thoáng, mát rượi dưới tán cây, mỗi mùa mỗi loại hoa, khi thì rộ sắc, lúc thoang thoảng hương thơm khiến người ta dễ “cuồng chân” muốn ra ngoài, gặp gỡ, trò chuyện; hay đơn giản chỉ là cảm và hít hà nguyên khí trời đất bơm căng lồng ngực.

Và, cũng trong những ngày Sài Gòn giãn cách, chắc hẳn, những “con đường nằm yên nghe nắng mưa”, đã nhớ dấu chân người. Người nhớ phố những lần thong dong; phố nhớ người điệu chân rộn rã. Đứng ở ban công, người hóng phố một miền xanh mải miết. Phố khẽ khàng mong, một ngày thật gần, những nhịp bước khua vang, để nhớ thương nối bờ.

Đâu đó vang lên những giai điệu cũ:

Chị Huỳnh Thy, Cư dân Phú Mỹ Hưng

Đồ họa: Thanh Thảo

 

“Phú Mỹ Hưng – Ngắm lâu và Cảm sâu” là những câu chuyện về con người, đô thị, về từng con đường, góc phố, dòng sông… tại Phú Mỹ Hưng. Nếu bạn cũng có kỉ niệm nào đó với nơi đây, hãy chia sẻ những dòng cảm xúc đong đầy bằng văn xuôi, thơ, vè, audio… và hình ảnh, clip (nếu có) qua hộp thư info@phumyhung.vn để cùng lan tỏa những giá trị tích cực.

Chân thành cảm ơn và mong sớm đón nhận những tình cảm thân thương!

TIN TỨC KHÁC