Cầu Ánh Sao lại được xướng tên
Ngày 4/6/2013 vừa qua, Cầu Ánh Sao (Khu The Crescent – Phú Mỹ Hưng) đã vinh dự nhận Huân chương Arthur G.Hayden của Hội Nghị Cầu Đường Quốc tế (IBC) công nhận thành tựu nổi trội dành cho công trình cầu đường thể hiện tầm nhìn và sự cải tiến đối với những cây cầu có công năng đặc biệt.
Như vậy, một lần nữa Cầu Ánh Sao được xướng tên trong các cuộc bình chọn trong nước và quốc tế. Trước đó, đầu năm 2013, cầu Ánh Sao cũng đã lọt vào danh sách “100 điều thú vị của TP.HCM”, do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.HCM tổ chức bình chọn.
Không chỉ dừng lại ở các danh hiệu, hiện tại với hàng ngàn lượt người đến tham quan, vui chơi tại cầu Ánh Sao mỗi tuần, đủ để khẳng định cây cầu bộ hành đầu tiên của Việt Nam này là một điểm đến hấp dẫn của cư dân TP.HCM và các tỉnh lân cận.
Vì sao Cầu Ánh Sao trở nên đặc biệt?
Được khánh thành vào ngày 20/4/2010, cầu Ánh Sao, dài 170m, rộng 8,3m, tổng vốn đầu tư hơn 50 tỷ đồng, do công ty Gao Ge (Trung Quốc) thiết kế và được Công ty Sino – Pacific thi công. Cây cầu bắc ngang qua rạch Thầy Tiêu, nối khu The Crescent với khu Kênh Đào trong khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Thiết kế của cầu Ánh Sao được mô phỏng hình ảnh những vì sao bắc qua dải ngân hà, đúng như tên gọi của cầu, nhờ dãy đèn 329 nằm trên mặt cầu.
Ở hai đầu cầu là hai quảng trường rộng, một đầu mô phỏng hình nửa vầng trăng, đầu kia mô phỏng hình mặt trời, mang ý nghĩa về sự dung hòa của trời đất. Hai bên thành cầu là hai thác nước nhân tạo gắn đèn thay đổi 7 màu liên tục. Sự tinh tế, hiện đại và thân thiện với môi trường trong thiết kế cây cầu này nằm ở chỗ hệ thống đèn ở thành cầu sử dụng pin năng lượng mặt trời. Nhìn từ xa, cầu Ánh Sao như một dải ngân hà uốn lượn trên Hồ Bán Nguyệt, tạo thành một khung cảnh vô cùng lãng mạn và đẹp đẽ.
Giữa quần thể kiến trúc thoáng đãng, nhiều mảng xanh của khu đô thị Phú Mỹ Hưng, điểm nhấn “dải ngân hà” cầu Ánh Sao như khơi gợi một giấc mơ về không gian sống lung linh chốn thiên đường.
*IBC (International Bridge Conference) là một tổ chức uy tín đối với ngành cầu đường ở Bắc Mỹ, Châu Âu và Châu Á. Được tài trợ bởi Hiệp hội của các kỹ sư Tây Pennsylvania, hàng năm IBC thu hút hơn 1.600 chủ sở hữu và các kỹ sư cầu đường, các nhà hoạch định chính sách cấp cao, các quan chức chính phủ, các nhà thiết kế cầu đường, các giám đốc điều hành xây dựng, và các nhà cung cấp các tiểu bang của nước Mỹ và nước ngoài.
T.T – N.T
Nguồn: Báo Thanh Niên