Chính quyền, nhìn từ đô thị Phú Mỹ Hưng

Chính quyền, nhìn từ đô thị Phú Mỹ Hưng


Mãi tới đầu năm 2008, Phú Mỹ Hưng mới có tổ dân phố và bắt đầu hình thành các chi bộ Đảng. Trong suốt gần một thập kỷ qua, hai phường Tân Phong và Tân Phú, quận 7, chỉ phải cử hai cảnh sát khu vực xuống trực ở phòng hậu mãi của công ty Phú Mỹ Hưng để nhận đăng ký tạm vắng, tạm trú và theo dõi tình hình.

Nhà nước có mặt rất ít, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, nhưng khu đô thị này vẫn rất phát triển, cả về an ninh chính trị và trật tự cộng đồng. Phú Mỹ Hưng là một ví dụ rất sinh động để nghiên cứu về mô hình và mức độ can thiệp của chính quyền đô thị.

Hai cảnh sát khu vực có mặt ở Phú Mỹ Hưng thực ra chỉ mới đáp ứng nhu cầu quản lý nhân khẩu từ chính quyền, còn các vụ “an ninh trật tự” khi xảy ra thường vẫn do bảo vệ công ty “phá án”. Lập các “tổ dân phố” cũng có ý nghĩa là tạo ra sự tương thích với các khu đô thị khác nhưng cũng chủ yếu phục vụ cho nhu cầu “quản lý”. Các “ban tự quản” do người dân Phú Mỹ Hưng lập ra đang vận hành tốt, và nhờ yếu tố “do dân” mà các ban này đang có một vai trò tích cực trong việc củng cố cộng đồng. Có lẽ chỉ một thời gian nữa, các cư dân ở đây sẽ có đủ kinh nghiệm để so sánh về hai thời kỳ có và không có “chính – quyền – tổ – dân – phố”.

Cho dù bảo vệ công ty Phú Mỹ Hưng đang làm tốt công tác duy trì an ninh trật tự trong khu vực, về nguyên tắc, quyền lực công không thể được thực hiện bởi lực lượng này. Quy mô phát triển của Phú Mỹ Hưng xứng đáng có, ít nhất, một đồn cảnh sát, một trạm cứu hoả, một trạm cứu thương hoạt động 24 giờ/ngày. Tuy trực thuộc cấp phường, nhưng Phú Mỹ Hưng đã vận hành như một thành phố, người dân ở đây lẽ ra có thể được cung ứng các dịch vụ hành chánh tại chỗ thay vì phải ra “ngoại ô” để tìm đến các phường.

Có lẽ, rất ít người dân Phú Mỹ Hưng biết là cả chục năm nay họ sống mà không có tổ dân phố. Có lẽ vì họ không thấy thiếu. Gần 6.000 dân của Phú Mỹ Hưng có nhiều mối quan tâm chung lẽ ra phải ở cùng trong một đơn vị hành chánh, nhưng vì căn cứ vào “bản đồ cũ”, họ bị chia ra, trực thuộc hai địa phương có rất ít sự tương đồng về điều kiện kinh tế và xã hội với mình. Có lẽ vì nhờ phường ít can thiệp vào sự phát triển nên người dân ở đây đã không nhận ra sự bất hợp lý đó và yếu tố “ít chính quyền” có lẽ cũng đã tác động không ít lên quá trình phát triển ở khu đô thị này.

Câu chuyện Phú Mỹ Hưng nhắc ta nhớ đến thủ đô Canberra của Úc, Canberra đã từng có những thời kỳ tồn tại không cần chính quyền mà vẫn được coi là một trong những thành phố tốt. Chính quyền địa phương ở các nước theo mô hình Anh thường chỉ có một hội đồng do dân bầu, có khi chỉ 5 – 7 người. Hội đồng này sẽ cử hoặc thuê một người làm thị trưởng.

Cho dù là nông thôn hay thành thị thì bộ máy chính quyền đều phải dựa trên nguyên tắc “do dân”. Quy mô lớn nhỏ tuỳ thuộc vào mức độ đòi hỏi phải đáp ứng dịch vụ công cho dân. Nhưng ở các đô thị, mối quan tâm và khả năng tiếp cận của dân chúng tới các cơ sở cung cấp dịch vụ công khác với nông thôn. Do đó “chia nhỏ” các cấp chính quyền như ở nông thôn không phải lúc nào cũng đúng.

Căn cứ vào các tiêu chí phục vụ, ví dụ: sau một cuộc điện thoại của dân, khoảng bao nhiêu phút sau thì cảnh sát 113 và lính cứu hoả có thể tới để mà bố trí các đồn cảnh sát và trạm cứu hoả thích hợp. Tương tự, nếu chúng ta vẫn tiếp tục mô hình nhà nước “song trùng” như thế này, người dân ở Tân Bình vẫn có thể nhận được các giấy tờ do UBND thành phố cấp tại một văn phòng hành chánh của thành phố đặt tại ngã tư Bảy Hiền thay vì phải lên tận 86 Lê Thánh Tôn, quận 1. Các đồn cảnh sát sẽ phản ứng trước tất cả các vấn đề về an ninh trật tự trên địa bàn và lực lượng này hoàn toàn có thể thay thế lực lượng công an phường, quận. Trên cơ sở đó, mà có những chính quyền thành phố chỉ cần hai, thậm chí chỉ còn một cấp.

Một chính quyền mạnh không căn cứ vào sự hùng hậu của biên chế và quy mô các ban bệ. Chính quyền sẽ hữu hiệu hơn khi được lập ra để chỉ ra tay những gì mà dân chúng thực sự cần.

TIN TỨC KHÁC