Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng: 15 năm – Một chặng đường đáng nhớ
Với mục tiêu xây dựng tuyến đường đại lộ Nguyễn Văn Linh dài 17,8km, 10 làn xe và 5 cụm đô thị A, B, C, D, E dọc theo tuyến đường với diện tích 750ha, 15 năm qua, kể từ ngày được Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư (nay là Bộ Kế hoạch – Đầu tư) cấp giấy phép số 602/GP (19/05/1993), Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng (CTLD PMH) đã nỗ lực “vươn lên từ đầm lầy” để tạo nên 2 công trình lớn cho thành phố sau 33 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: đó là đại lộ đô thị dài, đẹp nhất TPHCM và Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng (ĐTPMH) mang lại một không gian sống hiện đại, chuẩn mực.
Trong đó ĐTPMH vừa được bình chọn là một trong 20 công trình kiến trúc tiêu biểu của Việt Nam thời kỳ đổi mới do Hội Kiến trúc sư VN tổ chức … là một dự án điển hình về xây dựng, phát triển một đô thị văn minh tại Đông Nam Á được quy hoạch đồng bộ, hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội.
Đô thị văn minh
Sự ổn định về chính trị, có sức sống vươn lên mạnh mẽ tự khẳng định vị trí trên bản đồ toàn cầu; có nguồn tài nguyên phong phú; môi trường đầu tư với chính sách thông thoáng, hấp dẫn; có nguồn lao động trí thức trẻ dồi dào, tay nghề cao – đó là diện mạo của Việt Nam với những bước phát triển kỳ diệu về mọi mặt trong thời kỳ đổi mới và điều đó đã thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.
Nằm trong quần thể kiến trúc hiện đại của Khu đô thị mới Nam Sài Gòn có quy mô 2.600 ha với 21 khu chức năng- ĐTPMH là thành quả hợp tác giữa Tập đoàn Central Trading & Development (CT&D) và Công ty Đầu tư Phát triên Công nghiệp Tân Thuận (IPC) – đại diện cho UBND TPHCM. Với quyết tâm vượt lên mọi gian nan, thử thách, 15 năm qua, từ một vùng đất hoang hóa, không có giá trị kinh tế cao, đến nay nơi đây đã trở thành một khu đô thị mới hiện đại, một công trình có quy mô lớn ở Việt Nam được quy hoạch đồng bộ, hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội được các nhà chuyên môn, các chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học, xã hội học… đánh giá là một dự án điển hình cho những công trình xây dựng đô thị kiểu mẫu ở Đông Nam Á.
Được quy hoạch dựa trên các ý tưởng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, kết hợp hài hòa cảnh quan thiên nhiên sông nước, môi trường sinh thái, kiến trúc đồng bộ giữa hạ tầng kỹ thuật tiêu chuẩn cao với hạ tầng xã hội tiện ích…, đến nay ĐTPMH đã xây dựng gần 10.000 đơn vị nhà ở các loại với diện tích hơn 1.5 triệu m2. Riêng khu A đã trở thành một trung tâm “Đô thị văn minh, cộng đồng nhân văn” đạt 6 tiêu chuẩn của một khu đô thị kiểu mẫu, ngày càng có sức lôi cuốn người dân từ khắp nơi hướng về PMH chọn làm nơi an cư, lạc nghiệp lâu dài.
Phát triển song song với TPHCM hiện tại và hướng mở rộng ra biển Đông trong tương lai, cuôi năm 2007, ĐTPMH được UBND TPHCM đề nghị Bộ Xây dựng công nhận là một “Khu đô thị mẫu cấp quốc gia để nhân rộng mô hình ra các khu đô thị trong cả nước, góp phần hoàn chỉnh các trung tâm đô thị Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế”.
Con đường hưng thịnh vùng kinh tế Nam Sài Gòn
Đó là công trình Đại lộ Nguyễn Văn Linh đã được thông xe toàn tuyến từ ngày 30/12/2007 đúng theo tiến độ và quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đại lộ Nguyễn Văn Linh là một công trình hạ tầng được đầu tư xây dựng trên tuyến đường hoàn toàn mới, dài và lớn nhất TPHCM từ trước đến nay với tổng chiều dài 17,8km, rộng 120m, 10 làn xe, trong đó có 6 làn xe nhanh, 4 làn xe sử dụng hỗn hợp và dãy phân cách ở giữa rộng 18~36m, băng qua hành chục sông rạch, đầm lầy với kỷ lục hơn 40 cây cầu xây mới cộng lại dài 3.146m, trong đó có 3 cầu: cầu Ông Lớn, cầu Xóm Củi, cầu Cần Giuộc lần đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam theo công nghệ Thụy Sỹ, không có trụ dưới sông, các nhịp chính của cầu được sử dụng dạng vòm đúc bê tông ống thép có khầu độ 100m. Tổng vốn đầu tư cho công trình này lên đến 100 triệu USD, được xây dựng trong suốt 11 năm (từ năm 1996-2007).
Mang tên của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, từ khi trở thành một công trình hạ tầng đô thị hoàn chỉnh, tầm vóc của cả nước, đại lộ Nguyễn Văn Linh đóng một vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, là xương sống cấu tạo toàn khu đô thị phía Nam. Ngoài việc góp phần làm giảm ách tắc giao thông trong thành phố và việc vận chuyển khối lượng hàng hoá lớn ra vào Cảng Sài Gòn, Cảng Bến Nghé, KCX Tân Thuận, tuyến đường còn tạo tiền đề cho TPHCM thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển, hình thành những trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, dầu khí, dịch vụ, cảng. Đồng thời, với sự kết nối giữa các tuyến giao thông nội thành, liên tỉnh, đường cao tốc tạo thành hệ thống liên hoàn, đại lộ Nguyễn Văn Linh đã tạo nên hiệu ứng cộng hưởng tăng trưởng giữa TPHCM và các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt với tiềm năng Đồng Bằng Sông Cửu Long, miền Đông Nam bộ.
Cùng với việc tạo nên một đô thị mới hiện đại, gần gũi với thiên nhiên, đạt tiêu chuẩn quốc tế về nhiều mặt, 15 năm qua CTLD PMH còn ghi đậm dấu ấn là một trong những doanh nghiệp hàng đầu của TPHCM thực hiện tốt nghĩa vụ nộp ngân sách cho Nhà nước trong lĩnh vực địa ốc và đóng góp hơn 80 tỷ đồng tham gia các hoạt động xã hội vì sự phát triển cộng đồng. Tới đây, bên cạnh các khoản thu khác từ các doanh nghiệp đầu tư thứ cấp tại khu đô thị này, ngân sách thành phố sẽ có thêm nguồn thu đáng kể từ tiền sử dụng đất khi quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất của cư dân trong khu đô thị mới được hoàn tất. Và với nỗ lực và quyết tâm không mệt mỏi, tháng 12/2007 vừa qua, CTLD PMH đã vinh dự nhận được Huân chương Lao động Hạng nhất của chính phủ Việt Nam.