Đại lộ Nguyễn Văn Linh, con đường của tầm nhìn mới
Có một con đường rộng và đẹp nhất Việt Nam vừa hoàn thành ngày 30/12/2007 – đại lộ Nguyễn Văn Linh, đánh dấu một bước phát triển mang tính chất đổi dời của vùng đất phía nam TP.HCM và một tầm nhìn mới trong chiến lược phát triển thành phố ra hướng đông; cũng là một tầm nhìn chiến lược biển.
Đại lộ Nguyễn Văn Linh bắt đầu từ đường Huỳnh Tấn Phát (Q.7,TPHCM) đến Quốc lộ 1A (huyện Bình Chánh), có chiều dài 17,8 km, được quy hoạch lộ giới 120m, gồm 10 làn xe, trong đó có 6 làn xe nhanh, 4 làn xe sử dụng hỗn hợp và giải phân cách ở giữa rộng 18-36m, có tổng cộng 40 chiếc cầu với tổng chiều dài gần 6km. Tính đến thời điểm này, Đại lộ Nguyễn Văn Linh là trục giao thông đô thị dài và lớn nhất TPHCM. Công trình do Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng xây dựng với vốn đầu tư là 100 triệu USD.
Trong ngày khánh thành đại lộ, ông Arthur Ting, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CT&D và Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng xúc động nói: “Chúng tôi rất cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã tạo điều kiện cho chúng tôi được xây dựng một đại lộ rộng nhất Việt Nam – Đại lộ Nguyễn Văn Linh”. Còn Tổng Giám đốc Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng Ba Dah Wen thì bồi hồi nhớ lại “18 năm trước, khi Việt Nam đang rất cần vốn đầu tư, tôi đã rất hân hạnh được cùng với ông Lawrence S. Ting, vị lãnh đạo tập đoàn CT&D đến Việt Nam, ông đã nhìn rõ nhu cầu phát triển kinh tế của TPHCM và đất nước Việt Nam, ông đã quyết tâm đầu tư các dự án hạ tầng lớn chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam. Bất cứ ai đã từng đến vùng đầm lầy hoang sơ của huyện Nhà Bè xưa thì bây giờ hẵn sẽ ngỡ ngàng trước sự thay da đổi thịt của vùng đất nay đã thành khu đô thị văn minh hiện đại”.
Có một điều chúng tôi ghi nhận được là sự nhất trí đánh giá về chất lượng con đường. Rằng, từ khi thông xe kỹ thuật lần 1, năm 1997, đại lộ không hề bị lún sụt dù là một con đuờng được xây dựng qua đầm lầy, nơi bùn lầy dày tới 30m. Ông Zhang Pei – Tổng Giám đốc Công ty tư vấn xây dựng Sino – Pacific (SPCC) cho biết: “Đây là một công trình rất khó khăn, chúng tôi đã huy động trên 3,5 triệu m3 cát để san lấp, 500.000 m3 đá cấp phối, hơn 1 triệu m3nhựa đường,lắp đặt gần 3.000 ngọn đèn đường, trồng hàng chục ngàn cây xanh và nhiều hạng mục phụ trợ khác. Trong suốt quá trình thi công, chúng tôi luôn tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn và quy phạm thi công của Việt Nam và áp dụng các thiết kế mới, kỹ thuật thi công hiện đại cùng với các thiết bị kỹ thuật tiên tiến nhất trên thế giới trong thi công cầu, đường. Ba chiếc cầu lớn trên tuyến đường gồm Cầu Cần Giuộc, Cầu Xóm Củi, Cầu Ông Lớn với kỹ thuật cầu vòm bê tông cốt thép theo công nghệ của Thụy Sỹ lần đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam”.
“Điểm nhấn” trong toàn bộ công trình là những cây cầu hình vòm này, tạo ra một cảnh quan độc đáo và bảo đảm an toàn giao thông thủy do có khẩu độ nhịp giữa 99m và không có trụ cầu dưới sông. Từ xa, nhìn 3 vòm cầu với màu sơn khác nhau hài hòa cùng những khu đô thị, căn hộ cao cấp càng hiện rõ những mảng màu nhiều màu sắc, hoà nhập vào thiên nhiên, khiến người ta nghĩ đến những khu đô thị với cộng đồng nhân văn trong một nhịp sống hiện đại.
Nhìn nhận từ góc độ phát triển kinh tế xã hội, đại lộ Nguyễn Văn Linh là tuyến đường huyết mạch, có ý nghĩa kinh tế xã hội rất lớn với sự phát triển của khu Nam Thành phố, của TPHCM và của cả nước nói chung. Đại lộ vừa là điểm khởi đầu cho Khu chế xuất Tân Thuận, lại là xương sống cấu tạo toàn khu đô thị phía Nam Thành phố, kết nối với những công trình trọng điểm như Khu chế xuất Tân Thuận, Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, Nhà máy điện Hiệp Phước, Khu công nghiệp Hiệp Phước và Khu đô thị Cảng Hiệp Phước …tạo tiền đề cho hướng phát triển ra biển Đông của TPHCM, với những định hướng cơ bản về việc phát triển và hình thành Trung tâm kinh tế dịch vụ cảng, dầu khí, thương mại, du lịch. Đại lộ Nguyễn Văn Linh được kết nối với các tuyến giao thông nội thành và liên tỉnh như Quốc lộ 1A, tỉnh lộ 15… tạo thành hệ thống giao thông hoàn chỉnh từ Nam Thành phố đến các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam Bộ, kết nối TPHCM với các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ngày khánh thành đại lộ Nguyễn Văn Linh cũng là một dấu son trong tiến trình phát triển của một thành phố có lịch sử hơn 300 năm và mở ra một trang sử mới của tiến trình kết nối lớn nhất trong lịch sử phát triển của TPHCM và các tỉnh Nam bộ, trong đó vùng đô thị mới Nam Sài Gòn sẽ dần trở thành hạt nhân của sự kết nối đó.
Nhìn một cách khái quát, có đại lộ Nguyễn Văn Linh mới có sự phát triển của khu Nam Sài Gòn; và có sự biến đổi của vùng đất đầm lầy Nam Sài Gòn thành khu đô thị mới hiện đại bậc nhất đất nước thì mới có sự liên kết vùng, khu vực và định hướng phát triển TPHCM ra biển Đông. Rõ ràng, đại lộ Nguyễn Văn Linh là đại lộ của tầm nhìn mới và và tư duy mới trong sự phát triển của TP. Hồ Chí Minh.
(Báo Tin Tức ngày 12/01/2008)