Du Xuân Giáp Ngọ
Còn khoảng 2 tháng nữa là đến Tết nguyên đán, lễ hội lớn nhất trong năm của người Việt Nam. Nếu như trước đây, Tết là dịp để cả nhà quây quần, tề tựu bên nhau thì những năm gần đây, Tết còn là dịp để vui chơi, du lịch sau một năm làm việc vất vả.
Tết xưa – Tết nay
Ngày Tết cổ truyền vốn xuất phát từ nền văn minh lúa nước của dân tộc ta. Sau một năm vất vả bên ruộng đồng, đến cuối tháng Chạp, lúa đã gặt xong, mọi người bắt đầu cùng nhau nấu bánh tét, phơi củ kiệu, làm mứt,… để ăn dần những ngày sau đó. Những người con đi làm ăn xa cũng tranh thủ trở về nhà. Hai mươi ba Tết, dọn mâm cơm tiễn ông Táo về trời. Mùng Một Tết, trẻ em xúng xính trong quần áo mới nhận tiền lì xì của ông bà cha mẹ, người lớn cũng háo hức đi chúc Tết ông bà, họ hàng, thầy cô và bè bạn. Hòa cùng không khí tươi đẹp của đất trời, ngày xuân cũng trở nên ấm áp với những lời chúc thân tình và tiếng cười nói rộn ràng.
Cuộc sống hiện đại đã dần làm thay đổi tập tục ăn Tết. Vẫn bánh, vẫn mứt, vẫn lì xì, nhưng nhiều gia đình không còn dành nhiều thời gian để ngồi canh nồi bánh tét hay tỉ mẩn bên nồi thịt kho dưa giá, dưa hành. Mệt mỏi cả năm với bao nỗi lo toan xoay quanh công việc, học hành. Với những gia đình sống ở các thành phố, Tết mang đến cho họ kỳ nghỉ dài để thỏa sức nghỉ ngơi, thư giãn, thay vì tất bật nấu nướng, các gia đình sẽ lo việc sắm sửa quần áo, thực phẩm để dùng trong những ngày Tết. Thời gian còn lại được dành cho các chuyến du lịch hoặc thưởng thức các chương trình ca nhạc, hài kịch. Cả gia đình sẽ mời bạn bè đến nhà cùng vui xuân, thưởng thức những bữa ăn ngon. Có thể nói, Tết chính là dịp để những người dân thành thị tái tạo lại năng lượng cho một năm mới.
ết này đi đâu?
Chị Phạm Việt Nga (quận 4, Tp.HCM) cho biết: “Năm ngoái, công ty làm ăn tốt nên tiền thưởng nhiều. Mình thu xếp mùng 3 Tết cả nhà đi du lịch Thái Lan một chuyến. Năm nay hơi khó khăn, chắc cả nhà mình chỉ đi loanh quanh trong thành phố thôi”. Đó cũng là suy nghĩ chung của nhiều người khi được hỏi về kế hoạch cho Tết năm nay. Thay vì đi du lịch nước ngoài, họ chọn du xuân ở các địa điểm trong thành phố.
Tết Giáp Ngọ này, để đáp ứng nhu cầu vui xuân của người dân, UBND TPHCM đã chỉ đạo các sở, ban, ngành tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị thi công, trang trí ánh sáng đường phố tại các tuyến đường và công viên khu vực trung tâm thành phố nhân dịp đón chào Tết Dương lịch 2014. Thành phố sẽ tổ chức trang trí ánh sáng đèn nghệ thuật trên các tuyến đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Đồng Khởi,… Ngoài các tuyến đường ánh sáng, thành phố còn tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật ánh sáng trên kênh Bến Nghé, Công viên 23/9, Công viên Gia Định 2… vào đêm giao thừa Tết Dương lịch.
Tết Giáp Ngọ này, từ ngày 23~ 30 tháng Chạp (âm lịch), Hội chợ Hoa Xuân Phú Mỹ Hưng sẽ được tổ chức. Năm 2014, tiếp tục chủ đề Hoa đồng cỏ nội, điểm nhấn của Hội chợ Hoa Xuân Phú Mỹ Hưng chính là các loài hoa thủy sinh, với những loài hoa của miền sông nước, như lục bình, muống biển, cũng như các loài cây ô rô, kèo nèo,… được sắp đặt đầy tính nghệ thuật, đậm đà bản sắc dân tộc. Với nhiều loại hình giải trí đặc sắc, hấp dẫn, người dân TP.HCM sẽ có thêm nhiều lựa chọn để vui xuân.