Hệ thống giao thông tại Phú Mỹ Hưng

Hệ thống giao thông tại Phú Mỹ Hưng


Hệ thống giao thông mô phỏng theo dạng ô bàn cờ (grid planning) là tên gọi chỉ qui hoạch hệ thống giao thông thường gặp ở các thành phố với những con đường cắt nhau vuông góc, tạo thành những ô vuông (hoặc chữ nhật) giống như hình một bàn cờ.

Qui hoạch giao thông dạng bàn cờ (QHGTDBC) ra đời từ thời cổ đại. Theo các nhà khảo cổ học, những công trình QHGTDBC đã có mặt từ những năm thế kỉ 26 trước Công nguyên.

Mô hình có từ thời xa xưa

Ở Giza, Ai Cập những năm 2750 – 2500 trước Công nguyên, những ngôi nhà, công trình kiến trúc được xây dựng trên những mảnh đất vuông vức hình thành do những con đường cắt nhau. Những con đường bắc – nam bắt đầu từ hoàng cung và những con đường đông – tây bắt đầu từ những đền thờ gặp nhau ở trung tâm thành phố, nơi mà người Ai Cập cổ đại tin rằng đó là sự giao thoa của vua chúa và thần thánh.

Không chỉ có ở Ai Cập, mà ở những đất nước nổi tiếng với các công trình kiến trúc đặc sắc của thế giới như La Mã, người ta cũng tìm thấy những di tích của những thành phố được xây dựng giao thông theo dạng ô bàn cờ. Dần dần, kiểu quy hoạch này trở thành một tiêu chuẩn của thời đại ở các nước khu vực châu Âu.

Riêng ở châu Á, QHGTDBC cũng được ghi nhận là xuất hiện từ thế kỉ thứ 8 trước Công Nguyên trong sách Khảo Công Ký của Thời Xuân Thu (Trung Quốc). Thành phố Gyeongju (Hàn Quốc) hay những thành phố cổ của Nhật như Fujiwara-Kyô, Nara, Kyoto đều được xây dựng theo kiểu qui hoạch này.

Trong quá trình phát triển, QHGTDBC đã có nhiều thay đổi để phù hợp với mục đích sử dụng, địa hình, địa chất của địa phương. Thế nhưng, trải qua nhiều thế kỉ, mô hình này vẫn không lạc hậu, mà ngược lại ngày càng được cải tiến để áp dụng ở rất nhiều nơi trên thế giới. Vì sao một mô hình trải qua hàng trăm thế kỉ vẫn được ưa chuộng đến như vậy?

Có thể thấy rằng, những quốc gia có lịch sử kiến trúc xây dựng dày dặn, nổi tiểng với những công trình còn mãi với thời gian như Ai Cập, La Mã, Trung Quốc đều đã phát triển mô hình QHGTDBC từ rất sớm. Điều đó chứng tỏ đây là một mô hình có ưu điểm nổi bật và đáng để người đời sau học hỏi và phát triển.

Ưu điểm nổi trội

Thật vậy, mô hình QHGTDBC đã chứng tỏ những ưu thế nổi trội của nó về nhiều mặt. Thứ nhất, mô hình này tăng cường độ an toàn giao thông cho chủ phương tiện đang lưu thông trên đường. Do mạng lưới giao thông được hình thành từ những đường thẳng, cắt nhau vuông góc, nên khi lưu thông trên đường, đặc biệt là ở những ngã tư, người tham gia giao thông dễ dàng quan sát được các xe từ 3 phía.

Thứ hai, mạng lưới này có khả năng đảm bảo tỉ lệ đất giao thông được sử dụng tối đa, đường sá được phân chia chức năng hợp lý, không chồng chéo, đảm bảo lưu thông được vận hành nhịp nhàng, hạn chế thấp nhất tình trạng ùn tắc. Những con đường bắc – nam, đông – tây cắt nhau tạo thành một mạng lưới giao thông dễ dàng định vị. Chính vì thế, người dân không phải tốn quá nhiều thời gian di chuyển từ nơi này đến nơi khác trong nội khu.

Thứ ba, hệ thống này còn tạo được một hiệu ứng xã hội tích cực, đó là tạo ra một môi trường sống an toàn, thân thiện cho người dân. Với thiết kế hình ô vuông, mô hình qui hoạch đã tạo ra một cảnh quang đẹp mắt, tạo cảm hứng cho người dân sử dụng xe đạp hoặc đi bộ thay cho các phương tiện cơ giới. Nói cách khác, nó góp phần khơi gợi ý thức bảo vệ môi trường của người dân.

 Ô bàn cờ ở Phú Mỹ Hưng

Sau quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng, công ty Skidmore, Owings and Merrill (Hoa Kỳ), một trong những đơn vị lập quy hoạch tổng thể Khu đô thị Phú Mỹ Hưng đã cho ra đời bản thiết kế quy hoạch lấy ý tưởng từ những ưu điểm của mô hình giao thông ô bàn cờ, nhưng được áp dụng dựa trên nhu cầu và đặc điểm của giao thông thành phố. Mô thức đường sá ở đây được bố trí dựa trên cấu trúc đường phố chính và phụ, yếu tố quyết định cho việc điều phối giao thông trong trung tâm đô thị và ra đại lộ Nguyễn Văn Linh (rộng 120m gồm 10 làn xe) cũng như đi tới những nơi khác ở Nam Sài Gòn. Đại lộ Nguyễn Lương Bằng (rộng 48m gồm 6 làn xe) là đường chính dẫn tới Khu Thương mại Tài Chính Quốc tế, Khu The Crescent, Khu Y tế Điều dưỡng, Khu Nam Viên.

Cấu trúc các đường chính đều có 4 làn xe vận chuyển, các làn để xe chuyển hướng và làn đậu xe. Các làn dành cho xe ôtô có bề rộng 3,5m với các làn đậu xe 2,3m. Một số đường khác có các làn riêng dành cho xe lưu thông với tốc độ chậm hơn, gồm các làn xe máy, xe đạp và làn đậu xe.

Từ các đường chính nối các khu chức năng của đô thị có các đường phụ tẽ ra, dẫn đến các khu dân cư, các quận, huyện lân cận để phục vụ lưu thông thông suốt dẫn tới các cơ sở tiện nghi công cộng. Đường chính và phụ này cắt nhau vuông góc, nhằm tạo điều kiện sinh hoạt đi lại thoải mái, thuận tiện trong trung tâm đô thị và giữa khu đô thị với bên ngoài.

Thông thoáng, không ùn tắc, tiết kiệm thời gian

Thực tế, QHGTDBC được xây dựng ở nhiều nơi trong thành phố, nhưng chính tốc độ phát triển kinh tế – xã hội nhanh đã kéo theo sự gia tăng về mật độ dân số, kéo theo  lượng phương tiện đi lại của người dân cũng tăng theo, đã làm cho hệ thống giao thông ô bàn cờ này tuy có nhiều ưu điểm nhưng do qui hoạch đường có chiều rộng tương đối hẹp, nên không đáp ứng được nhu cầu lưu thông khi mật độ phương tiện ngày càng tăng.

Ở Phú Mỹ Hưng, lộ giới dao động từ 8m đến 48m tùy theo đặc điểm của từng khu vực, đã làm cho giao thông ở đây thuận tiện, không gây ùn tắc giao thông dù mật độ dân cư có đạt tối đa. Anh Nguyễn Hữu Nam, cư dân khu phố Nam Thông 2 cho biết anh cảm thấy thoải mái và thích thú khi lưu thông trên những con đường trong khu đô thị vì “ những con đường ở đây rộng, thoáng và nối tiếp với nhau một cách khoa học. Điều này giúp tôi tiết kiệm được thời gian đi lại rất nhiều vì hoàn toàn không có kẹt xe. Quang cảnh trong khu vực cũng thoáng đãng hơn, không phải chịu áp lực của nạn ô nhiễm không khí do xe thải ra tập trung tại một khu vực khi có kẹt xe”.

Qua gần 20 năm hình thành và phát triển, giao thông ở Phú Mỹ Hưng luôn tạo được sự hài lòng cho cư dân và quan khách, khẳng định chất lượng quy hoạch giao thông của nhà đầu tư.

Ngoài ra, phần diện tích dành cho vỉa hè rất rộng giúp tạo không gian thông thoáng cho khách bộ hành, các nhu cầu sinh hoạt ở lề đường, sự chuyển vận và dừng đỗ của các loại xe. Các lề đường tiêu biểu tại trung tâm đô thị là 2,75m tại các đường dành riêng cho cư dân và 3,5m tại các đường có tính thương mại. Lề đường cũng được nới rộng thêm nhờ có các khoảng lùi công trình (rộng khoảng 2m). Các lề đường còn được điểm trang bằng thảm cỏ, cây xanh tạo bóng mát và không khí trong lành cho khu đô thị. Đồng thời, các nhà qui hoạch còn bố trí các tiện nghi sinh hoạt cho cư dân như cửa hàng, siêu thị, nhà hàng,… chỉ trong bán kính 800m hay 10 phút đi bộ nhằm khuyến khích cư dân hạn chế sử dụng các phương tiện cá nhân để góp phần bảo vệ môi trường.

Ngày nay, khi có dịp đi trên những con phố của khu đô thị này, chắc chắn người tham gia giao thông sẽ cảm thấy hài lòng với chất lượng quy hoạch, những đường phố rộng thoáng, sạch sẽ, an toàn; hai bên đường được trang trí bởi những hàng cây xanh mát. Có lẽ vì thế mà không ít cư dân Phú Mỹ Hưng và các khu vực lân cận đã chọn nơi đây làm nơi đi bộ, tản mạn vào mỗi sáng sớm, chiều tối để thưởng thức không khí trong lành và không kém phần hiện đại của khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng.

TIN TỨC KHÁC