Không làm ngơ với … rác

Không làm ngơ với … rác


Không thể làm ngơ với tình trạng vứt rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường và cảnh quan đô thị, nhiều cá nhân, đơn vị đã “tuyên chiến” với thực trạng này. Tiếp sau những hoạt động tự phát, nhiều chương trình bài bản, quy mô vận động bảo vệ môi trường qua việc bỏ rác đúng chỗ đã xuất hiện.

CHUNG TAY BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Thời gian gần đây, báo chí liên tục đưa tin về những tấm gương … nhặt rác. Họ đã hành động vì không thể ngồi yên trước việc môi trường sống từng ngày bị ô nhiễm chỉ vì thói quen vứt rác bừa bãi của nhiều người.

Đó là cụ bà Đặng Thị Mai, hơn 80 tuổi, ngày ngày quét rác quanh khu vực đường 3 Tháng 2  Công trường Dân chủ. Bà chẳng phải công nhân vệ sinh nhưng thấy “chướng mắt với rác” nên ngày ngày xách chổi ra quét đường khi thấy rác.

Đó là ông Hồ Việt, nguyên Chủ tịch Thành phố Đà Nẵng, dù đã ở tuổi hưu nhưng mỗi ngày vẫn dành hàng tiếng đồng hồ để đi dọc bờ biển Mỹ Khê nhặt rác vì không muốn những vỏ bia, vỏ ốc, bịch nylon làm xấu hình ảnh quê hương mình trong mắt du khách.

Cách đây không lâu, hình ảnh một doanh nhân người Nhật, ông Ninomiya nhặt rác quanh Hồ Gươm cũng đã gây xôn xao cộng đồng khi được phát trên sóng truyền hình. Không chỉ nhặt rác một mình, ông Ninomiya còn vận động thêm nhiều người bạn người Nhật (hầu hết là các doanh nhân, chuyên gia) cùng tham gia nhặt rác ở Hồ Gươm mỗi sáng chủ nhật, vì theo ông: “Rác và người vứt rác bừa bãi còn nhiều lắm”.

Từ hình ảnh của ông Ninomiya, một nhóm bạn trẻ ở TP.HCM đã thành lập Câu lạc bộ Nhặt rác Sài gòn. Hiện tại, Câu lạc bộ này đã có trên 100 thành viên, hoạt động đều đặn thông qua việc tuyên truyền bảo vệ môi trường, vứt rác đúng nơi quy định và Chủ nhật hàng tuần đều tổ chức nhặt rác tại nhiều điểm trong thành phố.

Tuy chỉ mới là những cá nhân, nhóm nhỏ tự phát, nhưng những hành động chung tay bảo vệ môi trường kể trên là tín hiệu tích cực, góp phần thay đổi nhận thức, cũng như hành vi của nhiều người trong việc vứt rác.

DOANH NGHIỆP CŨNG VÀO CUỘC

Không chỉ các cá nhân, tổ chức, hiện tại cũng đã có nhiều doanh nghiệp quan tâm đến việc bảo vệ mội trường, xem đó là một hoạt động hướng đến cộng đồng.

Là doanh nghiệp đầu tư, xây dựng và quản lý khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên của cả nước, Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng luôn đặt vấn đề bảo vệ cảnh quan môi trường lên hàng đầu. Mỗi ngày hàng trăm công nhân vệ sinh của khu đô thị Phú Mỹ Hưng phải làm việc từ sáng đến tối để giữ gìn đường phố sạch đẹp, cảnh quan trong lành, thoáng mát.

Thời gian gần đây, Phú Mỹ Hưng trở thành điểm đến hấp dẫn của người dân thành phố, đặc biệt là những dịp cuối tuần, với nhiều không gian công cộng như công viên, phố đi bộ, cầu bộ hành, trung tâm mua sắm …. Bên cạnh đó, tại đây cũng rất nhiều các chương trình, hoạt động cộng đồng thường xuyên được tổ chức, thu hút hàng chục nghìn, hàng trăm nghìn khách. Thế nên, dù đã có quy định cấm xả rác, dù đã bố trí thùng rác nhiều nơi, nhưng để tiến tới một khu đô thị không rác dành cho tất cả mọi người, Công ty Phú Mỹ Hưng đã có những hành động quyết liệt hơn. Với  chương trình “Đô thị không rác” vừa đưa vào thực hiện, Phú Mỹ Hưng trở thành khu đô thị đầu tiên trong cả nước “mạnh tay” với rác và người vứt rác bừa bãi.

“Trước mắt chúng tôi sẽ tuyên truyền, vận động cư dân và những người đến Phú Mỹ Hưng giữ gìn vệ sinh môi trường, bỏ rác đúng nơi quy định. Sau đó, Phú Mỹ Hưng sẽ kiến nghị với  chính quyền địa phương để phối hợp thực hiện nghiêm túc Nghị định 73 của Thủ tường Chính phủ về việc xử phạt hành vi vứt rác nơi công cộng. Chúng tôi tin rằng, Phú Mỹ Hưng sẽ thực hiện thành công chương trình này”, ông Nguyễn Bửu Hội cho biết.

Chương trình “Đô thị không rác” của Phú Mỹ Hưng được Ngân hàng Techcombank đồng hành trong vai trò tài trợ và tham gia các hoạt động vận động, tuyên truyền. Một tín hiệu vui khi không chỉ các cá nhân, tổ chức mà các doanh nghiệp đã bắt tay nhau cùng hành động vì môi trường.

Nghị định số 73/2010/NĐ-CP  của Thủ tướng Chính phủ quy định: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi vứt rác nơi công cộng.

TIN TỨC KHÁC