Mảng xanh mang cả tính nhân văn
Ở góc nhìn của mình, kiến trúc sư lim hse jinh không ngần ngại khẳng định: “ngoài vai trò tạo cảnh quan và cải thiện môi trường, mảng xanh còn mang cả tính nhân văn cho các khu đô thị”. Đó là một phần trong câu chuyện thú vị giữa tập san phú mỹ hưng và chuyên gia thiết kế cảnh quan người malaysia.
Trước hết, xin ông cho biết vai trò của mảng xanh trong thiết kế cảnh quan các khu đô thị?
Trong thiết kế cảnh quan các khu đô thị, yếu tố không gian xanh (hay còn gọi là mảng xanh) giữ vai trò đặc biệt quan trọng vì nó tạo nên mỹ quan khu đô thị và ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của cư dân. Điều đó thì ai cũng biết, riêng với tôi những mảng xanh đô thị còn hàm chứa cả tính nhân văn trong đó.
Mảng xanh đô thị hàm chứa tính nhân văn? Ông có thể nói rõ hơn?
Các nghiên cứu gần đây cho thấy, đơn giản chỉ cần một mảng xanh bên ngoài cửa sổ cũng có thể khiến con người giảm stress và lo lắng, cảm thấy lạc quan và yêu đời hơn. Sự khỏe mạnh trong tinh thần kéo theo các phản ứng dây chuyền tích cực khác: người ta vui vẻ với nhau hơn, tích cực trong công việc hơn… từ đó phát triển các mối quan hệ xã hội, kích thích phát triển kinh tế. Ở những đô thị có nhiều mảng xanh, cư dân cũng tích cực tập luyện thể dục, sức khỏe thể chất cũng được cải thiện hơn.
Một ví dụ đơn giản, ở những đô thị có nhiều mảng xanh (công viên, cây xanh, hoa kiểng…) cư dân thích ra đường hơn, dễ có điều kiện gặp gỡ trao đổi, mối quan hệ và tinh thần cộng đồng cũng vì thế được mở rộng và phát huy. Đó chính là tính nhân văn mà mảng xanh mang lại cho các khu đô thị.
Sau nhiều năm làm việc ở Việt Nam, ông đánh giá thế nào về thực trạng mảng xanh ở các đô thị của Việt Nam?
Hệ thống mảng xanh ở hầu hết các đô thị của Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu về môi trường và cảnh quan đô thị. Diện tích cây xanh quá ít, cơ cấu cây trồng nhiều nơi chưa hợp lý. Trong tiêu chuẩn đô thị xanh, mỗi người phải là 10m2 cây xanh để hấp thụ lượng khí do họ thải ra, tuy nhiên, ở các đô thị Việt Nam chỉ số trên là rất thấp. Ngay cả hai đô thị lớn là Hà Nội và TP.HCM, cây xanh cũng không quá 2m2/người. Ở nhiều đô thị nhỏ và trung bình, việc quy hoạch các mảng xanh thậm chí còn chưa được quan tâm.
Riêng Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, nơi ông tham gia với vai trò tư vấn thiết kế cảnh quan trong nhiều dự án, thực trạng mảng xanh như thế nào?
Ai đến Phú Mỹ Hưng chắc cũng dễ dàng nhận ra nét đặc trưng của khu đô thị này chính là mảng xanh. Từ những con đường, đến công viên, thảm cỏ, mặt nước, thậm chí là hàng rào, vườn nhà của cư dân… đều được phủ xanh theo đúng với thiết kế, quy hoạch tổng thể. Nếu cần số liệu để dẫn chứng thì con số 8,9m2 diện tích cây xanh trên một người, cao hơn so với các địa bàn khác ở TP.HCM, đủ để khẳng định Khu đô thị Phú Mỹ Hưng xứng đáng là khu đô thị sinh thái kiểu mẫu đầu tiên ở Việt Nam.
Trở lại với quan điểm “mảng xanh hàm chứa cả tính nhân văn” mà tôi đã nói lúc đầu để thấy, không phải ngẫu nhiên mà Khu đô thị Phú Mỹ Hưng được đánh giá cao về tính nhân bản, nhân văn trong quy hoạch. Đơn giản, ngay từ ban đầu, đô thị này đã được Công ty Skidmore, Owings & Merrill (Mỹ) quy hoạch tổng thể với tiêu chí hiện đại dựa trên tiêu chí bảo tồn, phát huy những giá trị vốn có của vùng đất Nam Sài Gòn, đặc biệt là mảng xanh.
Theo ông, trong tương lai Khu đô thị Phú Mỹ Hưng có đạt tiêu chuẩn đô thị xanh của thế giới?
Theo tôi được biết, 7 tiêu chí để đánh giá một đô thị xanh như sau: không gian xanh; công trình xanh; giao thông xanh; công nghiệp xanh; chất lượng môi trường đô thị xanh; bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, công trình lịch sử, văn hóa; cộng đồng dân cư sống thân thiện với môi trường và thiên nhiên.
Hiện tại, Khu đô thị Phú Mỹ Hưng đã đạt được hơn phân nửa trong các tiêu chí đó nên khả năng để đạt chuẩn đô thị xanh của thế giới có lẽ sẽ không xa.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này!