Kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và Ngày Quốc tế lao động 1/5, TP.HCM ghi dấu ấn với những công trình tiêu biểu, tạo nên bộ mặt mới, dấu ấn mới cho đầu tàu kinh tế của cả nước này.
Những công trình này không chỉ thay đổi bộ mặt đô thị TP.HCM, người dân được hưởng lợi, mà còn đánh thức tiềm năng, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế TP.HCM trong những năm tới.
Đặc biệt, sau khi Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM có hiệu lực từ tháng 8/2023, giúp nhiều dự án triển khai nhanh hơn, mở ra một giai đoạn phát triển đầy triển vọng.
Công trình đầu tiên ghi lại dấu ấn phải nhắc đến đó là Hầm vượt sông Sài Gòn: Vào ngày 20/11/2011, đường hầm vượt sông lịch sử thông xe sau 7 năm thi công kết nối hai bờ sông và giảm tải cho các trục giao thông lân cận. Hầm vượt sông là hạng mục quan trọng nhất trong Dự án xây dựng Đại lộ Đông – Tây của TP.HCM. Công trình hầm vượt sông Sài Gòn hiện đại nhất Đông Nam Á, với chiều dài 1,49 km, rộng 33 m, cao 9 m, với 6 làn xe lưu thông.
Khu đô thị đầu tiên ở TP.HCM: Được đầu tư và xây dựng bởi Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng. Đây là khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên của cả nước được Bộ Xây dựng công nhận. Năm 1996, Công ty Phú Mỹ Hưng bắt đầu xây dựng hạ tầng đô thị Phú Mỹ Hưng. Đó là đại lộ Nguyễn Văn Linh dài 17,8 km, lộ giới 120 m, có 10 làn xe. Đại lộ Nguyễn Văn Linh được xây dựng hoàn toàn mới, băng qua vùng đất đầm lầy huyện Nhà Bè (nay là quận 7), quận 8 và huyện Bình Chánh. Từ đây, những nét vẽ đầu tiên của khu đô thị bắt đầu hiện thực hóa. Sau hơn 30 năm xây dựng, phát triển, đô thị Phú Mỹ Hưng hiện nay không chỉ hoàn chỉnh về chức năng, không gian kiến trúc, mà còn định hình phong cách sống “Đô thị văn minh, cộng đồng nhân văn”, thu hút hơn 65.000 cư dân đến sinh sống, làm việc, học tập. Trong đó, khoảng 50% là người nước ngoài đến từ hơn 26 quốc gia, vùng lãnh thổ trên khắp thế giới.
Tòa nhà biểu tượng Landmark 81 là tòa nhà cao nhất Việt Nam do Tập đoàn Vingroup xây dựng từ năm 2015, hoàn thành và chính thức đi vào hoạt động từ năm 2018 với số tiền đầu tư lên tới 300 triệu USD. Landmark 81 khánh thành và hoạt động hạng mục đầu tiên (TTTM Vincom Center Landmark 81) sau 1.461 ngày thi công. Đến ngày 28/4/2019, tòa tháp tiếp tục khánh thành Đài quan sát skyview cao nhất Việt Nam và cũng là tòa nhà cao nhất Đông Nam Á thời điểm đó và hiện nay nằm trong top 20 tòa cao nhất thế giới.
Quảng trường sự kiện: Quảng trường trước Tượng đài Bác Hồ (đường Nguyễn Huệ, người dân quen gọi là phố đi bộ) được UBND TP.HCM đưa vào sử dụng vào dịp 30/4/2015 sau 7 tháng thi công. Đây là quảng trường đẹp và hiện đại nhất Việt Nam, với chiều dài 640 m, rộng 64 m, kéo dài từ UBND TP.HCM đến bến Bạch Đằng, tổng kinh phí xây dựng gần 430 tỷ đồng.
Công trình cầu Ba Son: Cầu Ba Son bắc qua sông Sài Gòn, kết nối giữa quận 1 với TP. Thủ Đức, được khởi công năm 2015 và thông xe vào dịp kỷ niệm 30/4/2022, với tổng vốn đầu tư gần 3.100 tỷ đồng. Cầu có chiều dài hơn 1.400 m với 6 làn xe; thiết kế dây văng với trụ tháp chính được xem là biểu tượng cổng chào từ trung tâm thành phố qua Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Cầu Ba Son được kỳ vọng là điểm nhấn kiến trúc nổi bật trên sông Sài Gòn.
Tuyến Metro số 1 và không gian ngầm đầu tiên ở TP.HCM: Trong ảnh là tuyến Metro số 1 chạy trong nhà ga ngầm Ba Son. Bên dưới quảng trường Quách Thị Trang, quận 1 đang dần hình thành một khu phố ngầm trải dài 2,5 km qua Nhà hát thành phố đến cảng Ba Son. Từ đây, không gian ngầm của TP.HCM sẽ dần được mở rộng theo các tuyến tàu điện (metro) và các công trình khác trong tương lai. Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, việc xây dựng các đoạn ngầm và nhà ga ngầm đã hoàn thành. Trong đó, nhà ga trung tâm Bến Thành – nơi giao nhau của 4 tuyến metro 1, 2, 3A và 4, có quy mô như một tòa nhà 4 tầng, dài 236 m, rộng 60 m, nằm ở độ sâu 32 m. Dự kiến, tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên sẽ được khai thác thương mại vào tháng 7/2024.
Dự án xây dựng đường Vành đai 3, đoạn qua TP.HCM đang được thi công gấp rút. Toàn tuyến Vành đai 3 đi qua TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An được khởi công xây dựng vào tháng 6/2023, với tổng vốn hơn 75.300 tỷ đồng, dự kiến đưa vào khai thác năm 2026.
Trong những năm qua, hàng loạt cao tốc được đưa vào hoạt động để kết nối mạng lưới giao thông từ TP.HCM đi các tỉnh, thành phố như: Cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, cao tốc TP.HCM – Trung Lương. Dự kiến có thêm cao tốc TP.HCM – Mộc Bài và cao tốc TP.HCM – Chơn Thành.
Nút giao 3 tầng An Phú hiện đại nhất TP.HCM: Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (chủ đầu tư), nút giao An Phú được khởi công cuối năm 2022, dự kiến hoàn thành dịp 30/4/2025. Công trình này có mức đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng, được đánh giá là nút giao thông hiện đại bậc nhất TP.HCM.
Dự án Thành phố hàng không: Dự án Nhà ga T3, Sân bay Tân Sơn Nhất có vốn đầu tư 11.000 tỷ đồng đang gấp rút triển khai. Dự kiến tháng 6/2025 sẽ đưa vào khai thác. Nhà ga T3 tích hợp đa dạng các công nghệ, tiện ích, giúp nâng tầm trải nghiệm của hành khách và hướng tới trở thành “Thành phố hàng không”.
Nguồn: baodautu.vn