Ông sao năm cánh khổng lồ cầu bình an hạnh phúc

Ông sao năm cánh khổng lồ cầu bình an hạnh phúc


Đối với người phương Đông, Tết Trung thu chính là lễ hội lớn thứ hai chỉ sau ngày Tết Âm lịch. Mùa Tết Trung thu thường bắt đầu từ khi trăng tháng Tám bắt đầu tròn cho đến hết Rằm tháng Tám.

Ngày xưa, đây chính là thời điểm nông nhàn, vụ mùa đã thu hoạch xong, mọi người có thể thảnh thơi nướng những chiếc bánh, làm những món ăn ngon để vừa dùng vừa ngắm trăng.

Không rõ Tết Trung thu có từ bao giờ, chỉ biết mấy trăm năm nay, người Việt đã có tập tục “ăn Tết Trung thu”. Truyền thuyết kể rằng, thuở xưa, vua Đường Minh Hoàng một đêm nằm mơ thấy được lên thăm cung trăng. Trong mơ, vua được mời thưởng thức những món bánh nướng, bánh dẻo thơm ngon, được ngắm các tiên nga múa những điệu múa mà vua chưa bao giờ thấy qua. Khi tỉnh giấc, vì quá luyến tiếc khung cảnh ấy, Đường Minh Hoàng nhớ lại hương vị của những chiếc bánh để bày cho mọi người làm theo, cũng như dạy cho các cung nhân học điệu múa của các tiên nữ trên cung trăng. Sau đó, vua tổ chức ngày “Hội ngắm trăng” vào đêm rằm tháng Tám hằng năm. Mọi người cùng nhau uống trà, ăn bánh, ngắm trăng. Dần dần, lễ hội lan rộng sang các nước lân cận.

Thời gian trôi qua, ngày “Hội ngắm trăng” năm xưa dần gửi gắm thêm những tâm tư tình cảm của con người. Hương vị ngọt ngào của chiếc bánh nướng, bánh dẻo chính là ước mơ về một vụ mùa bội thu, những chiếc đèn lồng đủ mọi hình dáng màu sắc rực rỡ – món quà mà các bậc cha mẹ dành cho con em mình – chính là lời chúc cho các em luôn mạnh khỏe, cũng gửi gắm tình yêu thương và sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình.

Cuộc sống hiện đại và hối hả khiến cho cha không có điều kiện chuốt từng ngọn tre, dán từng miếng giấy kiếng để làm lồng đèn cho con trẻ chơi, mẹ cũng ít có thời gian nướng bánh Trung thu, tuy nhiên, ý nghĩa và những ước mơ gửi gắm trong mùa Tết Trung thu thì vẫn vậy. Các bậc cha mẹ vẫn luôn dành thời gian để đưa con trẻ đến những nơi đông vui, nhộn nhịp, mua cho các em lồng đèn, bánh Trung thu, sau đó cả nhà cùng quây quần vui đùa, ngắm trăng, ăn bánh.

Trung thu năm nay, các gia đình sẽ có thêm một lựa chọn nữa cho con em đến vui chơi. Đó chính là “Lễ hội Trung thu – Lung Linh Sắc Việt” tổ chức vào đêm 14/9 tới đây. Lần đầu tiên, chiếc đèn ông sao khổng lồ cao 4m sẽ xuất hiện ở khu vực trung tâm của đêm hội. Chiếc đèn thắp sáng cả khu vực lễ hội thay cho lời chúc các em thiếu nhi luôn mạnh khỏe, các gia đình luôn bình an và hạnh phúc. Bên cạnh chiếc đèn ông sao khổng lồ, khu vực Hồ Bán Nguyệt sẽ trở nên lung linh rực rỡ nhờ cung đường lồng đèn truyền thống uốn lượn với 1.500 chiếc lồng đèn. Đây sẽ là địa điểm lý tưởng để các gia đình, các nhóm bạn ghi lại những kỷ niệm đẹp của đêm Trung thu.

Đến với “Lễ hội Trung thu Phú Mỹ Hưng – Lung Linh Sắc Việt”, các bé sẽ được tham gia những trò chơi dân gian quen thuộc như: nặn tò he, lựa đậu, ô ăn quan,… Cuộc thi thiết kế lồng đèn sẽ trao 2 thiết bị chơi mà học NAHI Kids và 5 phần quà khuyến khích cho 7 bé khéo tay nhất. Ngoài ra, 2 thiết bị NAHI Kids nữa sẽ được trao trong phần bốc thăm may mắn. Ban Tổ chức cũng chuẩn bị 2.000 phần quà và lồng đèn cho các bé đến sớm.

“Lễ hội Trung thu Phú Mỹ Hưng – Lung Linh Sắc Việt” do Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng tổ chức, với sự tài trợ chính của Công ty cổ phần NAHI, đồng tài trợ của Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng và Công ty cổ phần Bảo hiểm Phú Hưng, và sự hỗ trợ của Công ty TNHH Liên doanh TOPCAKE, Công ty TNHH MTV Việt Nam kỹ nghệ súc sản Vissan (VISSAN), trường mầm non Ngôi Sao Tuổi Thơ KinderStar, tổ chức UNESCO,…

Trong đêm hội, nhà tài trợ NAHI sẽ trao 10 thiết bị chơi mà học NAHI Kids cho 10 em học sinh nghèo học giỏi của quận 7 và 5.000 quyển tập cho báo Công An TPHCM để chuyển cho trẻ em nghèo.

Ngọc thảo
Nguồn: Dân trí

TIN TỨC KHÁC