Phí quản lý ở các khu căn hộ, chung cư mới: Không nên vì mục đích kinh doanh
Việc thu phí quản lý là một việc làm thiết thực nhằm thực hiện tốt công tác duy tu bảo dưỡng, bảo vệ môi trường và các sinh hoạt khác của cộng đồng cư dân. Thế nhưng, để thực hiện tốt mô hình này, chúng ta không nên đưa mục đích kinh doanh vào việc thu phí.
Khi nhà đầu tư thu phí
Một trong những nhà đầu tư không đưa mục đích kinh doanh vào việc thu phí quản lý đó là Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng (PMH). Để hấp dẫn, thu hút cư dân về đô thị sinh sống nên PMH tính toán khá kỹ mức phí, đúng với chủ trương “lấy thu bù chi” để phục vụ cư dân một cách tốt nhất, chứ không thu phí dịch vụ hậu mãi với mục đích kinh doanh.
Trước khi có ban tự quản, khi số lượng cư dân về ở trong một khu phố chưa đến 50% và để công tác phục vụ khu phố được hoàn thiện, duy trì chất lượng sinh hoạt, PMH sẽ thay mặt cư dân thu hộ, chi hộ và giữ hộ phí quản lý (PQL) theo đúng chủ trương lấy thu bù chi nhằm thực hiện tốt công việc hậu mãi, phục vụ cư dân.
Tại PMH, PQL được tính một lần trọn gói cho các dịch vụ. Tuy nhiên, có nhiều người hiểu nhầm PQL căn hộ tại PMH chỉ tính riêng cho một công việc nào đó trong khu căn hộ như đổ rác, dọn vệ sinh… nên thường phân vân trước khi mua nhà.
Thực tế cho thấy, PQL ở PMH được tính trọn gói hợp lý và thuận tiện cho cư dân. Ở những nơi khác, các thành viên trong gia đình tự trả tiền gửi xe tháng, có khu còn phải trả tiền lên xuống thang máy, tiền mua vé vào hồ bơi, vào phòng tập thể dục, tiền xăng, rồi thời gian đi lại… gộp lại chắc chắn sẽ cao hơn và đương nhiên cư dân sẽ cảm thấy phiền hà hơn là việc qui thu một lần.
Mặc dầu vậy, tùy theo mức độ tiện ích của tòa nhà, mật độ dân cư mà mức PQL sẽ được tính toán dựa trên nhu cầu thực thi cho việc vệ sinh khu phố, chăm sóc cây cảnh, an ninh, duy tu, bảo dưỡng các tiện ích công cộng (mức phí này của từng gia đình trong cùng một khu phố sẽ khác nhau vì phụ thuộc vào diện tích căn hộ sở hữu).
PQL được sử dụng cho các hạng mục sau đối với tất cả các khu: thu gom rác, vệ sinh, giữ xe máy, giữ an ninh khu ở, duy tu cảnh quan cây xanh, bảo trì sửa chữa các tiện ích công cộng quy mô nhỏ, chiếu sáng công cộng…
Cư dân làm chủ phí quản lý
Theo PMH, khi khu phố có hơn 50% cư dân về ở, PMH sẽ cùng cư dân của khu phố này thành lập ban tự quản (BTQ). Đây là tổ chức do cư dân khu phố bầu ra để thực hiện các công việc chăm sóc khu phố đó. Lúc này, PMH sẽ bàn giao PQL lại cho BTQ để tính toán, cân nhắc và quyết định mọi khoản chi phục vụ khu phố.
Theo đó, BTQ gồm có 5 thành viên, 3 người do chính cư dân biểu quyết bầu ra (trong đó có 1 người trưởng BTQ, quyết định mọi khoản thu, chi của PQL), một đại diện công an phường lo về nhân khẩu, chính quyền và một người đại diện cho PMH. Người đại diện PHM trong BTQ không tham dự vào việc thu, chi của PQL mà chỉ đóng vai trò hỗ trợ, tư vấn cho BTQ thực hiện các công việc của khu phố, đồng thời lắng nghe phản ánh, nguyện vọng của cư dân để giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh.
Lâu nay, người dân sống ở các khu chung cư thường quen rạch ròi về các khoản phí theo kiểu “đúng hẹn lại lên, hô đâu đóng đó”, cứ đến tháng có người đến nhà thu tiền rác, tiền xe, tiền hỗ trợ dân phòng… Khi nơi ở bị bể ống nước, cần nâng cấp đường, sửa chữa các tiện ích công cộng… thì có người vận động hô hào cư dân đóng góp.
Do đã quen với nếp sống này, nên nhiều người cảm thấy xa lạ với kiểu đóng PQL hàng tháng của cư dân sống tại khu chung cư hay các khu đô thị mới hiện nay… Tuy nhiên, đây không chỉ là một mô hình mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng cư dân, mà còn là một mô hình hiện đại mà các nước trên thế giới đang áp dụng.
HÙNG QUYỀN-LƯƠNG VĂN
(Theo SGGP, ngày 27- 8- 2006)