Phú Mỹ Hưng, đất lành phát triển
Hơn 6.000 người đang sinh sống. Hơn 10.000 người tìm được việc làm. Chương trình phát triển TP hướng ra biển Đông đã được lãnh đạo TP khởi xướng vào thập niên 80, đó cũng là lúc vùng đất Nam Sài Gòn chỉ là những khoảnh ruộng sình lầy ngập tràn trong phèn.
Ít người ngờ sau 12 năm khai phá, vùng đất hoang hóa xưa kia đã trở thành đô thị Phú Mỹ Hưng hiện đại, mang tầm vóc quốc tế.
Một quy hoạch hoàn chỉnh
Mới đó mà nay đã khác, sừng sững nơi đây 20 chung cư cao tầng, những khu biệt thự sang trọng với hơn 6.000 cư dân sinh sống. Cũng tại đô thị này, hơn 10.000 con người đã tìm được kế sinh nhai cho mình.
Dấu ấn đầu tiên, con đường hiện đại thênh thang với 10 làn xe mang tên Nguyễn Văn Linh, một công trình đang bước vào giai đoạn cuối cùng để trở thành tuyến đường đô thị lớn và dài nhất TP. Không chỉ đẹp và quy mô, đại lộ Nguyễn Văn Linh còn “gánh” trên mình trọng trách kết nối TP với các tỉnh miền Đông, Tây.
Phú Mỹ Hưng hôm nay, bên cạnh những vũng sen, ao súng là các biệt thự, cao ốc soi bóng. Những khu nhà liên hợp tấp nập công nhân đang hối hả xây dựng. Cách đó không xa, khu phố Hưng Vượng, Mỹ Kim… đã nhộn nhịp cư dân. Những hàng xe máy, xe hơi xếp hàng thẳng tắp mà không cần ai nhắc nhở, quy định. Ở đâu trong khu đô thị này bạn cũng có thể bắt gặp hình ảnh công nhân đang tưới hoa, cặm cụi chăm sóc những thảm xanh trong khi đó phía xa những tòa nhà chọc trời đang vươn lên để cung cấp thêm những dịch vụ tiện ích cho người dân. Theo ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng, bí quyết thành công của Phú Mỹ Hưng chính là sự thống nhất trong đầu tư, quy hoạch, hạ tầng, thiết kế, xây dựng và quản lý.
Chuẩn mực cho chất lượng sống
Để thu hút người dân đến sinh sống, Phú Mỹ Hưng đã chọn cho mình một lối đi riêng. “Ở đây cảm thấy bình yên và thoải mái lắm. Không còn chuyện bước ra khỏi nhà là gặp cảnh xe cộ đông đúc, khói bụi mù” – chị Kiều Oanh ở khu Mỹ Kim đã giải thích lý do chuyển từ khu trung tâm TP về đây. Quả thật, Phú Mỹ Hưng đã tạo cho mình một hình ảnh không thể lẫn vào đâu được. Không có cảnh dây điện giăng tứ tung, đường sá bị cày cuốc nham nhở, vật nuôi thả rông… Công nhân vệ sinh không phải chỉ quét dọn mà là lau chùi để cầu thang, hành lang, nơi công cộng lúc nào cũng xanh sạch đẹp. “Rác không chạm đất” trở thành mệnh lệnh ở nơi đây. Mỗi ngày không chỉ 1 mà là 4 lần nhân viên tới thu gom rác. Ông Huỳnh Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ khách hàng, cho biết: Khi ký hợp đồng mua nhà, mọi người đồng thời phải cam kết thực hiện theo quy định của khu đô thị. Tất cả đều hiểu và ủng hộ những gì mà chúng tôi đưa ra. Có lẽ, họ muốn nơi mình an cư là nơi an toàn. Đôi lúc, cũng có một vài cá nhân bất hợp tác, nhưng rồi thấy mình không giống ai xung quanh nên họ cũng dần điều chỉnh theo.
Người dân nơi đây, hầu như ai cũng tự hào khi nghe đô thị của mình được mọi người nhắc đến như điểm để thư giãn, để hít thở không khí trong lành và hơn hết là một đô thị văn minh bậc nhất. Họ cảm nhận mình đang sở hữu một “gia tài” lớn là cảnh quan thiên nhiên bao quanh. Với họ, những điều nhỏ nhặt còn mang ý nghĩa thật sự: Một thư viện trở thành nơi gặp gỡ, bắt đầu những mối quan hệ mới. Những công viên, hồ bơi ở từng khu nhà đã là nơi thư giãn. Đi qua khu vực này, bạn đừng ngạc nhiên khi bắt gặp cảnh gia đình cùng nhau sinh hoạt ngoài trời đầm ấm trên những thảm xanh có khắp mọi nơi.
Vẫn biết nhà đầu tư kinh doanh để kiếm lời nhưng việc trích lợi nhuận để phục vụ chất lượng sống của người dân là điều hiếm ai làm. Có lẽ vì những điều đó mà nơi đây đã trở thành điểm đến của những cư dân muốn tìm đất lành cho tổ ấm của mình.
Tổng vốn Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng đầu tư: 112,98 triệu USD (tính đến tháng 11-2005). Trong đó, đầu tư xây dựng đại lộ Nguyễn Văn Linh là 69,08 triệu USD và cơ sở hạ tầng là 43,9 triệu USD. Tính đến tháng 5-2005, công ty đã nộp vào ngân sách Nhà nước các khoản thuế 1.475 tỉ đồng. Số nhà đã và đang xây dựng là 5.000 căn với 6.086 cư dân. Đã phủ 700.000 m2 cây xanh, trồng hàng triệu cây xanh trên các đường phố. |
Khánh Sơn – Đoàn Phú
Theo NLĐ, ngày 5-12-2005