Phú Mỹ Hưng – Định hình một phong cách sống

Phú Mỹ Hưng – Định hình một phong cách sống


Nhắc đến phú mỹ hưng nhiều người nghĩ ngay đến một khu đô thị cao cấp, có cơ sở hạ tầng kỹ thuật tốt, dịch vụ hoàn thiện, cảnh quan môi trường xanh, sạch và đẹp… nhưng, có một giá trị khác mà không phải ai cũng nhận ra: phú mỹ hưng góp phần định hình nên một phong cách sống mới – phong cách sống hiện đại của thế kỷ 21.

TỪ “CHỖ ĐỂ SỐNG” ĐẾN “KHÔNG GIAN SỐNG”

PGS. TS. Nguyễn Minh Hòa – Trưởng Khoa Đô thị học, Trường Đại học Quốc gia TP.HCM

Nếu vào những năm 90 của thế kỷ trước, người mua nhà chủ yếu tìm chỗ để sống, để ở, để “chui ra, chui vào” sau một ngày làm việc, thì hơn mười năm trở lại đây, người dân bắt đầu thay đổi nhận thức và thái độ đối với nơi ăn chốn ở của mình. Các khái niệm “không gian sống”, “tổ hợp sống”, “vùng không gian kiến trúc” được nói đến ngày một nhiều hơn, không chỉ trên các phương tiện truyền thông mà cả trong đời sống thường ngày của người dân.

Rất nhiều lý do dẫn đến sự thay đổi này, có thể do sau khi đất nước mở cửa người dân bắt đầu đi du lịch nước ngoài nhiều hơn, tiếp xúc với các thông tin trên Internet rộng rãi hơn, nhưng có một yếu tố không thể phủ nhận được là sự ra đời của Khu đô thị kiểu mẫu Phú Mỹ Hưng làm thay đổi hẳn nhận thức của mọi người. Người ta bắt đầu biết quan tâm đến những yếu tố bên ngoài ngôi nhà của mình như: môi trường tự nhiên, môi trường xã hội và tổ hợp không gian sống (không gian kiến trúc, không gian văn hóa, không gian xã hội, không gian kinh tế, không gian nghệ thuật…) khi chọn lựa nơi sinh sống. Dù chưa chắc nhu cầu đó được thỏa mãn trong thực tế, nhưng thay đổi nhận thức, nâng tầm ước mơ là một khởi đầu quan trọng và điều quan trọng hơn thế nữa là làm thay đổi tư duy của những người lãnh đạo, nhà quản lý, người ra chính sách.

Gần 20 năm qua, trong khi nhiều khu dân cư mới ở TP.HCM phát triển manh mún, chủ yếu là “phân lô bán nền” thì với lợi thế chỉ một chủ đầu tư duy nhất, Khu đô thị Phú Mỹ Hưng được quy hoạch mạch lạc, phân khu chức năng rõ ràng, hệ thống dịch vụ đầy đủ và hoàn thiện. Ông Phạm Sĩ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng từng đánh giá về nhà đầu tư Khu đô thị Phú Mỹ Hưng: “Họ tìm kiếm lợi ích từ sự phát triển bền vững chứ không đuổi theo những món lợi trước mắt và dự án thực hiện được cùng lúc 6 thống nhất: đầu tư – quy hoạch – hạ tầng – thiết kế – xây dựng – quản lý”, đồng thời đưa ra mô hình mới cho người dân”.

“Trăm nghe không bằng một thấy”, chính hình mẫu hiện thực của Khu đô thị Phú Mỹ Hưng đã mang đến cho nhiều người một quan niệm mới, một giá trị mới về nơi ăn chốn ở trong phong cách sống của mình.

“PHÁP LUẬT” CỦA VĂN MINH

Người Việt Nam ai cũng biết câu “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, mà ở các đô thị thì không phải ai khác mà chính là các nhà quy hoạch, thiết kế tạo ra thế giới của những cái ống tròn, cái hộp vuông cho con người tồn tại trong đó. Nhà kiến trúc sư người Thụy Sỹ lừng danh Le Corbusier có nói “Kiến trúc tạo ra con người” hiểu theo nghĩa tính cách và hành vi.

Thực tế đã chứng minh là xây dựng một không gian sống như thế này thì cuộc sống hài hòa, nhưng theo một kiểu khác thì sẽ tạo ra những xáo trộn ghê gớm. Người ta sẽ không ngần ngại vứt rác khi thấy đã có nhiều rác bên đường, nhưng sẽ chùn tay trước đường phố sạch sẽ và xung quanh mình mọi người đều bỏ rác vào thùng.

Bất kỳ ai đến Phú Mỹ Hưng đều nhận thấy đường phố, vỉa hè, các khu vực công cộng khá sạch sẽ, rất ít rác, các hoạt động thường nhật diễn ra trong trật tự, không có cảnh chạy xe lộn xộn, bấm còi tùy hứng, quần áo phơi phóng bừa bãi, hàng hóa lấn chiếm vỉa hè, càng không có cảnh say xỉn, to tiếng và ít khi có trộm cắp. Kỷ cương và trật tự ở đây được tôn trọng đến mức khách vãng lai từ nơi khác đến cũng thấy không nên và không được vi phạm không gian sống văn minh đó. Còn với những cư dân của Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, có thể họ đến từ nhiều vùng miền, cả trong lẫn ngoài nước, có thể xuất phát từ nhiều tầng lớp, có trí thức, có nông dân, có thể họ “tùy tiện” ở những nơi khác nhưng khi sống ở Phú Mỹ Hưng, họ đều tự giác tuân theo những quy ước công cộng. Hay nói cách khác, cư dân ở Phú Mỹ Hưng hết sức tôn trọng, giữ gìn và tự hào với không gian đô thị văn minh nơi họ sinh sống.

Qua đó, có thể thấy rằng chính không gian sống văn minh, hiện đại ở Khu đô thị Phú Mỹ Hưng là một kiểu “pháp luật”, một quy ước công cộng tác động đến phong cách sống của cư dân ở đây và cả khách vãng lai. Và đây là tiền đề thuận lợi cho việc hình thành lối sống văn minh, kỷ cương, trật tự và tôn trọng pháp luật của người dân.

HÀI HÒA LỐI SỐNG CÁ NHÂN VÀ CỘNG ĐỒNG

Các khu cư trú truyền thống của người Việt Nam từ nông thôn tới đô thị có đặc tính chung là khá gần gũi nhau về mặt không gian vật lý, cũng như quan hệ xã hội. Nhà liền nhà, phố liền phố, mọi người sống chung trong những con hẻm. Điều đó tạo nên một cộng đồng thân thiện truyền thống, nhưng cũng mang lại khá nhiều điều phiền toái trong quan hệ và đời sống riêng tư. Khắc phục điều này Phú Mỹ Hưng đã tạo ra được những không gian sống cho cá nhân, hộ gia đình khá độc lập, đảm bảo sự riêng tư cá nhân, sinh hoạt gia đình không ảnh hưởng lẫn nhau bằng cách tạo ra những khoảng không dãn cách như hàng rào khuôn viên, vườn cây, dãi thảm cỏ… như các nhà thiết kế của SOM khẳng định “Mỗi khu vườn, căn hộ được chú ý đặc biệt trong thiết kế để làm nổi bật tính riêng biệt, cá nhân”.

Nhưng ở một khía cạnh khác, Phú Mỹ Hưng đã tạo ra được rất nhiều không gian công cộng và cộng đồng nhằm kết nối mọi người lại với nhau như: vườn hoa, công viên, thảm cỏ, phố đi bộ, cầu nghệ thuật, vỉa hè rộng rãi, ghế đá… và rất nhiều địa điểm vừa là nơi sử dụng dịch vụ vừa là nơi gặp gỡ nhau như hàng quán, siêu thị, nhiều địa điểm trình diễn như nhà triển lãm quốc tế, sân khấu ngoài trời, khu vui chơi dành cho trẻ em… Chính những nơi này là chất xúc tác để tạo ra các mối quan hệ giao tiếp giữa những người có màu da, ngôn ngữ và lứa tuổi khác nhau. Những hoạt động cộng đồng cũng là chất dung môi góp phần kết dính các cá nhân lại với nhau như: Chương trình Đi bộ Từ thiện Lawrence S. Ting, Hội chợ Hoa Xuân Phú Mỹ Hưng, Đêm nhạc Trịnh Công Sơn, Chương trình đua xích lô từ thiện, Phú Mỹ Hưng – Hướng về trẻ em…

Chính cách thiết kế không gian, phát triển dịch vụ xã hội, tổ chức hoạt động cộng đồng theo kiểu Phú Mỹ Hưng đã khắc phục được sự lạnh lùng, vô cảm cố hữu của đô thị phương Tây và khắc phục được cả văn hóa làng xã thái quá của lối sống nông thôn lạc hậu. Có được điều này chính là do các nhà quy hoạch và thiết kế SOM đã kế thừa được cùng lúc sự giao thoa của hai nền văn hóa Đông – Tây, giữa văn hóa hiện đại và văn hóa Việt truyền thống để tạo ra một “môi trường sống lớn” dành cho khu dân cư nơi đây.

20 năm hình thành và phát triển, có thể nói Khu đô thị Phú Mỹ Hưng đã phần nào định hình một phong cách sống: văn minh, nhân văn và hiện đại

TIN TỨC KHÁC