Sài Gòn sống và yêu: Kỳ tích khu đô thị mọc lên từ đầm lầy


Sau ngày thống nhất đất nước, khu vực bờ Nam rạch Kênh Tẻ (quận 7 – Nhà Bè) vẫn là vùng đầm lầy, ruộng nước hoang vu. Với nhiều người thành phố khi đó, nơi này đã là vùng đất tận cùng của Sài Gòn, ít ai muốn đến đây sinh sống.

Nhưng có ai ngờ rằng, hơn 30 năm sau, vùng đất Nam Sài Gòn trở nên sầm uất với trung tâm là khu đô thị Phú Mỹ Hưng khang trang, hiện đại và được công nhận là khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên tại Việt Nam.

Vùng bưng biền năm xưa. Ảnh: Dân trí

Vùng bưng biền năm xưa. Ảnh: Dân trí

Theo nhiều tư liệu và ký ức của các bậc cao niên, những năm sau 1975, khu vực quận 7 – Nhà Bè vẫn còn là vùng đất hoang vu, đồng ruộng bao la, cảnh vật như ở một vùng quê Nam bộ nghèo khó. Hệ thống kênh rạch chằng chịt nhưng lại thiếu cầu đường kết nối nên cả vùng bị chia cắt, ai muốn đến đây đều phải đi bằng ghe thuyền.

Đồng ruộng thì bị nhiễm phèn, không con gì cây gì sống nổi, ngoại trừ lúa độc canh một vụ và những con cá lóc nhỏ, cá sặc bé chịu được phèn chua và nắng gắt. Điều này kéo theo đời sống người dân vô cùng khó khăn vì kinh tế không thể phát triển, dù nơi đây cách trung tâm Sài Gòn chỉ vài km đường chim bay. Đó cũng là điều trăn trở của chính quyền TP. HCM suốt gần 20 năm sau ngày giải phóng.

Để “mở cửa” nền kinh tế, TP.HCM đã nỗ lực tìm kiếm, kêu gọi hợp tác đầu tư nước ngoài. Năm 1993, công ty Phú Mỹ Hưng (tập đoàn CT&D) được cấp phép đầu tư khai thác 750ha của vùng Nam Sài Gòn. Sự hợp tác giữa chính quyền địa phương (đại diện là Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận IPC) và chủ đầu tư đã dẫn đến sự ra đời của nhiều dự án như Khu chế xuất Tân Thuận, đại lộ Nguyễn Văn Linh, Nhà máy Điện Hiệp Phước …

Đây đều là những dự án kinh tế trọng điểm, mang tính tiên phong trong hợp tác đầu tư với nước ngoài, góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa vùng đất phía Nam thành phố và là tiền đề của dự án Khu đô thị Phú Mỹ Hưng.

Phú Mỹ Hưng mọc lên từ đầm lầy, là khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên của cả nước.

Phú Mỹ Hưng mọc lên từ đầm lầy, là khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên của cả nước.

Đề án đại lộ Nguyễn Văn Linh cũng mở ra ý tưởng về việc phát triển những cụm đô thị dọc theo tuyến đường này. Chính quyền thành phố và chủ đầu tư đã hiện thực hóa ý tưởng đó bằng việc tổ chức cuộc thi Quy hoạch quốc tế Nam Sài Gòn vào năm 1993, thu hút nhiều công ty thiết kế nổi tiếng trên thế giới tham gia.

Một nhóm tư vấn quy hoạch quốc tế có tiếng như Công ty Skidmore, Owings & Merrill (Mỹ), Kenzo Tange & Associates (Nhật Bản) và Koetter Kim & Associates (Mỹ) đã tham gia lập quy hoạch chung đô thị Nam Sài Gòn. Năm 1994, Quy hoạch tổng thể đô thị mới Nam Sài Gòn được Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt phê duyệt.

Tháng 7/1996, Công ty Phú Mỹ Hưng bắt đầu xây dựng những cơ sở hạ tầng đầu tiên của khu đô thị bằng những kỹ thuật và công nghệ tốt nhất ở thời điểm đó.. . Do xây dựng trên vùng đầm lầy, kênh rạch chằng chịt nên việc thi công cần nhiều vật liệu so với những nơi khác để bù lún, gia cố nền… Tại một số khu vực, phương án thi công thực hiện bằng giải pháp khoan các cọc bêtông cốt thép và các cầu trên tuyến sử dụng dầm dự ứng bêtông đúc sẵn… giúp ổn định và tăng tuổi thọ công trình… Từng giai đoạn của dự án đều được các cơ quan chuyên ngành của thành phố và trung ương kiểm tra, giám sát chặt chẽ.

BDTG Phu My hung 3

Đến tháng 2/1998, giai đoạn 1 của đại lộ Nguyễn Văn Linh với 2 làn xe đi vào hoạt động, dù còn nhỏ nhưng đã phá thế bế tắc, tạo lối thông thương giữa Khu Nam Sài Gòn với vùng đô thị trung tâm. Từ đây, cả vùng đất Nam Sài Gòn “cất cánh”, dân cư bắt đầu di chuyển về đây sinh sống, thương nghiệp phát triển… Những nghi ngại ban đầu về “vùng đất không chân” với định kiến nguyên sơ là sình lầy, lún sâu, “thảy con trâu còn chìm”, … đã bị xóa tan hoàn toàn.

Ông Phan Chánh Dưỡng, chuyên gia kinh tế, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) cho biết: “Cứ 7 năm đổ lên lớp, 7 năm đổ lên lớp, mà hồi đó người ta tính đổ ít nhất 7 năm một lần thì nó cứng luôn”.

Đến năm 2002, đại lộ Nguyễn Văn Linh tiếp tục được mở rộng thành 4 – 6 làn xe, nhiều tuyến đường nhánh trong khu đô thị Phú Mỹ Hưng được mở kết nối với các khu dân cư lân cận như quận 4, Nhà Bè, Bình Chánh… Những khu phố được quy hoạch bài bản, hiện đại được thành hình, những căn biệt thự, những tòa nhà cao tầng bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều tạo thành Khu đô thị Phú Mỹ Hưng hiện đại, văn minh mang tầm quốc tế.

Nhìn lại khu đô thị sau 3 thập niên phát triển, chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) và là một trong những người đóng góp cho sự thành công của Phú Mỹ Hưng – Nam Sài Gòn, chia sẻ: “Tôi đọc rất kỹ sự phát triển 300 năm của Nam Bộ, đọc rất kỹ Sài Gòn. Ngay đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Hàm Nghi, … là dòng sông, mà đã là dòng sông thì Nhà Bè có khác gì đâu. Sau này Sài Gòn phát triển lên thì mấy dòng sông này lấp, trở thành con lộ lớn đó. Mình đi sau 300 năm, kiến thức, công nghệ của 300 năm sau này đủ sức xử lý Nhà Bè…

Cho nên bây giờ nhìn lại đường Nguyễn Văn Linh, Phú Mỹ Hưng thì chúng tôi xử lý nó trong 30 năm bằng 300 năm trước, thì điều dự kiến này đều có tính toán, thầm lặng, từng bước, thuyết phục và lãnh đạo vô cùng ủng hộ mình”.

Ông Phan Chánh Dưỡng còn cho biết, đề xuất làm Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, cái đầu tiên các ông nghĩ đến là trường học và thành phố của thiên nhiên. Mọi người thường nói thành phố tới đâu, thiên nhiên lùi tới đó. Nhưng Phú Mỹ Hưng ngay từ bản vẽ thiết kế ban đầu, đã không như thế. Sau gần 30 năm, khu đô thị vẫn giữ được tâm huyết này của những người mở đường và màu chủ đạo của Phú Mỹ Hưng là màu xanh.

Từ những năm 2000 – 2008, nhiều công trình tiện ích được xây dựng và đi vào hoạt động như Trung tâm thương mại Crescent Mall, hồ Bán Nguyệt, cầu Ánh Sao, Bệnh viện FV, Trung tâm hội chợ và triển lãm Sài Gòn (SECC), công viên Cảnh Đồi, công viên Nam Viên… cùng với nhiều hoạt động cộng đồng được tổ chức  đã mang lại đời sống sinh động cho khu đô thị. Năm 2008, Khu đô thị Phú Mỹ Hưng được Bộ Xây dựng công nhận là khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên tại Việt Nam.

Công viên bờ hồ Bán Nguyệt - Phú Mỹ Hưng

Công viên bờ hồ Bán Nguyệt – Phú Mỹ Hưng

Với không gian thoáng mát, một không khí trong lành với nhiều cây xanh và mặt nước, Phú Mỹ Hưng còn được biết đến là một điểm đến văn hóa, giải trí, kết nối cộng đồng giúp cho đời sống tinh thần của người dân thành phố trở nên phong phú hơn.

Chị Nguyễn Thị Thùy Linh, sống tại quận 7, chia sẻ: “Phú Mỹ Hưng là một môi trường rất đáng sống. Môi trường làm mình rất dễ chịu từ việc học, sinh hoạt của gia đình, con cái … Phú Mỹ Hưng là nơi mình chọn. Nó có trường học, khu trung tâm thương mại, công viên để mình đi bộ buổi sáng tập thể dục, rồi cung đường cũng đẹp nữa, hồ, ao sen… làm cho mình đi vào công viên đó cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái, thư giãn”.

Sự xuất hiện của đô thị Phú Mỹ Hưng trong những năm 1990 được xem như là “cú hích” khởi động quá trình phát triển mạnh mẽ của Khu Nam Sài Gòn trong ba thập niên qua, đưa quận 7 trở thành địa phương có tốc độ đô thị hóa “chóng mặt” nhưng vẫn tuân thủ quy hoạch chặt chẽ, không phát triển tự phát, manh mún như các địa phương khác. Từ vùng đất hoang sơ đầy sình lầy không ai muốn đến, Phú Mỹ Hưng là kỳ tích của khu vực Nam Sài Gòn sau 30 năm phát triển và hiện là nơi sống mơ ước của biết bao người.

Nguồn: Báo VOV Giao thông

TIN TỨC KHÁC