Tầm vóc đô thị Phú Mỹ Hưng

Tầm vóc đô thị Phú Mỹ Hưng


Nếu nhìn lại quá trình đô thị hóa của Sài Gòn – TPHCM trong vài thập niên vừa qua thì đô thị Phú Mỹ Hưng nổi lên như là một điểm sáng lấp lánh trên bản đồ quy hoạch đô thị gồm nhiều gam màu của thành phố. Tuy nhiên, để hướng đến một môi trường sống tốt hơn nữa, Phú Mỹ Hưng vẫn đang tiếp tục nỗ lực hoàn thiện những vấn đề mà giới chuyên môn trong lĩnh vực quy hoạch đô thị đã chỉ ra.

Đồng hoang chuyển mình

Ngày 18-5-2013, Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng đã tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm thành lập, cũng là 20 năm hình thành và phát triển của đô thị Phú Mỹ Hưng. Nhìn lại chặng đường phát triển biến vùng đất đầm lầy, nghèo khó thành khu đô thị khang trang hiện đại, bà Ba Dah Wen, thường trực Hội đồng Thành viên Công ty Phú Mỹ Hưng, nói: “Xin cảm ơn chính quyền đã quan tâm chỉ đạo, xin cám ơn những kiến trúc sư, công trình sư ưu tú đến từ Mỹ, châu Á, châu Âu… đã cùng tham gia vào dự án này”.

Dự án xây dựng một đô thị hiện đại (do KTS. John Kriken, Công ty Skidmore Owings & Merrill thiết kế) trên khu đất sình lầy 750 héc ta ở phía Nam TPHCM khởi đầu bằng tuyến Ðại lộ Nguyễn Văn Linh rộng 120 mét, dài 17,8 ki lô mét. Dọc theo tuyến đường là năm khu vực phát triển (A, B, C, D, E) với các cụm chức năng đáp ứng đầy đủ nhu cầu cần thiết cho cộng đồng cư. Trong đó, khu A với diện tích 433 héc ta xây dựng đầu tiên được chia làm 8 phân khu chức năng gồm: Khu Trung tâm Thương mại – Tài chính Quốc tế; Khu The Crescent, Khu Kênh Ðào; Khu Y Tế Ðiều Dưỡng; Khu Nam Viên; Khu Cảnh Ðồi, Khu Văn Hóa Giải Trí và Khu Midtown, đã và đang góp phần làm thay đổi mạnh mẽ diện mạo đô thị của khu Nam TPHCM.

Ngày nay, sau những nỗ lực không mệt mỏi của chủ đầu tư và sự hỗ trợ, quan tâm của chính quyền, Phú Mỹ Hưng đã trở thành một đô thị ngăn nắp với mạng lưới cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội gồm hệ thống đường giao thông, điện, nước, bưu chính viễn thông, cơ sở y tế, giáo dục… rất hoàn chỉnh và hiện đại. Tính đến nay, đô thị Phú Mỹ Hưng đã có 85 dự án nhà ở với gần 12.000 đơn vị nhà ở các loại, tổng sàn diện tích xây dựng gần 2,5 triệu mét vuông, và đã thu hút khoảng 25.000 người dân (trong đó có khoảng 12.000 người nước ngoài) từ khắp nơi đến lạc nghiệp. Theo dự báo, trong tương lai không xa, khu đô thị Phú Mỹ Hưng sẽ đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho khoảng 100.000 dân…

Không chỉ có các cơ sở trong nước, đô thị Phú Mỹ Hưng còn là lựa chọn hàng đầu của nhiều nhà đầu tư nước ngoài với những sản phẩm, dịch vụ đạt tiêu chuẩn quốc tế, góp phần làm phong phú hơn, đa dạng hơn cho sự lựa chọn của cư dân. “Ðất lành chim đậu”, nhiều tập đoàn đa quốc gia lừng danh như Unilever, Manulife, Parkson, Porsche, BMW, Toyota, Mercedes,… đã đến Phú Mỹ Hưng và thiết lập trụ sở hoạt động từ khá lâu do đáp ứng được hầu hết các nhu cầu cuộc sống cũng như kinh doanh với tiêu chuẩn cao nhất. Cách đây 20 năm, thậm chí chỉ 10 năm, nhiều người không thể hình dung đô thị Phú Mỹ Hưng có bước phát triển đột phá nhanh như vậy.

Khi con người là trung tâm của đô thị

Có người đã nhận xét Phú Mỹ Hưng thành công là do các nhà làm quy hoạch và phát triển đô thị đã biết lấy con người làm trung tâm, chủ đạo. Mọi hạ tầng, công trình, kiến trúc, dịch vụ, tiện nghi… trong khu đô thị đều được tính toán kỹ lưỡng, nhắm đến việc phục vụ các chủ nhân của chúng một cách hoàn mỹ nhất. Hay nói cách khác, Phú Mỹ Hưng là một khu đô thị mà ngay từ trước khi bắt tay xây dựng, những người triển khai đã đặt hai chữ “nhân văn” lên hàng đầu. Ðiều này có thể quan sát được ngay ở những chi tiết “nhỏ nhặt” như lối đi hay chỗ vệ sinh dành cho người khuyết tật ở các công trình công cộng. Bên cạnh đó, chủ đầu tư cũng mạnh dạn dành rất nhiều diện tích đất để xây dựng công viên, trồng cây xanh, các khu vui chơi công cộng… Có lẽ chủ đầu tư nào cũng thấy các công trình công cộng như vậy là cần thiết nhưng không phải đơn vị nào cũng có thể dễ dàng hy sinh lợi ích kinh tế của mình cho cuộc sống cộng đồng trở nên tốt đẹp hơn như Phú Mỹ Hưng.

Theo Giáo sư Phan Văn Trường, trường Ðại học Kiến trúc TPHCM, khu đô thị Phú Mỹ Hưng đạt được những thành tựu như hôm nay là do nhà đầu tư xác định nội dung kinh tế xã hội của đô thị trước khi quy hoạch cơ sở hạ tầng. “Ðô thị này không thể thành công nếu quy hoạch mà không xác định được nơi đây sẽ tương thích cho ngành kinh tế nào phát triển, thành phần cư dân nào sẽ đến an cư…”, ông nói.

Trên thực tế, Phú Mỹ Hưng là đồ án khu đô thị đầu tiên được quy hoạch hoàn chỉnh ở Việt Nam tính từ sau năm 1986 và là khu đô thị lớn nhất ở châu Á được quy hoạch tổng thể theo chuẩn mực quốc tế. Ðô thị này không chỉ có mảng xanh phủ mát quanh năm, kiến trúc thân thiện với con người mà còn đạt hiệu quả cao về kinh tế, xã hội. Các dải đất ven mặt nước được sử dụng làm nơi công cộng và không gian mở này được dành cho tất cả mọi người thưởng ngoạn. Ðể hội nhập với văn hóa địa phương, các hoạt động thương mại ở Phú Mỹ Hưng được tổ chức ở tầng trệt của gần như tất cả các tòa nhà. Nhiều công viên lớn, nhỏ được tổ chức để tạo không gian cho các sinh hoạt công cộng… Ðó là chưa kể bản quy hoạch còn đề xuất làm sạch những con kênh trong khu vực để tránh các rủi ro về sức khỏe cho người dân.

Tuy vẫn còn những điểm chưa hoàn thiện, nhưng chính những điểm đó sẽ giúp rút ra những bài học kinh nghiệm để các giai đoạn tiếp theo của đô thị Phú Mỹ Hưng sẽ càng trở nên hoàn thiện hơn. Những lợi ích mà đô thị Phú Mỹ Hưng mang lại bây giờ đã có thể dễ dàng đo đếm được: giá bất động sản ở Phú Mỹ Hưng và khu vực lân cận đã tăng hàng chục lần so với cách đây không lâu. Một cộng đồng dân cư với nếp sống văn minh phù hợp với nền kinh tế tri thức đã hình thành rõ nét tại đô thị Phú Mỹ Hưng cũng là điều không ai phủ nhận.

Nhờ những đóng góp nêu trên, Bộ Xây dựng đã quyết định công nhận Phú Mỹ Hưng là “khu đô thị kiểu mẫu” đầu tiên của Việt Nam. KTS. Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, khẳng định khu đô thị Phú Mỹ Hưng là sự thành công của việc quy hoạch có chất lượng, tiếp cận xu thế hiện đại của thế giới, phân khu rõ ràng… Ông Vạn còn cho rằng những người đặt nền móng cho khu đô thị Nam TPHCM nói chung và Phú Mỹ Hưng nói riêng đã xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ và hiện đại, tạo khả năng phát triển bền vững trong giai đoạn tiếp theo.

Giới chuyên môn quốc tế cũng dành nhiều lời khen ngợi cho đô thị Phú Mỹ Hưng. Ðiển hình như giải thưởng của tạp chí Progessive Architecture (PA, Mỹ) năm 1995, giải thưởng của Viện Kiến trúc Mỹ năm 1997, giải Bạc MIPIM 2011 ở hạng mục Dự án phát triển nhà ở tốt nhất tại Hội chợ Triển lãm Bất động sản Quốc tế MIPIM Asia 2011 (Hồng Kông), giải thưởng Dự án xuất sắc toàn cầu năm 2012 (ULI)…

Khi trao giải thưởng cho Phú Mỹ Hưng, tạp chí Progessive Architecture khen ngợi sự tỉ mỉ và hài hòa trong thiết kế ở các tỷ lệ khác nhau cũng như cách tiếp cận về khí hậu và địa lý. Còn Viện Kiến trúc Mỹ (AIA) thì nhận xét: “Ðồ án Phú Mỹ Hưng bắt nguồn từ lịch sử kiến tạo đô thị với hình dáng được gợi ý từ lịch sử của mảnh đất này. Ðồ án có vai trò như là một ví dụ điển hình cho các đại dự án đang diễn ra ở những nơi như Ðông Nam Á”.

Hình mẫu phát triển đô thị thành công

Phân tích sâu hơn về sự thành công của khu đô thị Phú Mỹ Hưng, PGS. TS Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, chỉ ra một trong những yếu tố để đô thị Phú Mỹ Hưng đi từ bản vẽ ra thực tế mà không bị phá vỡ quy hoạch chính là sự tham gia ngay từ đầu của nhà đầu tư trong công tác quy hoạch. Ông đánh giá, tập đoàn CT&D, đơn vị đầu tư vào Phú Mỹ Hưng, là một nhà đầu tư có tâm và có tầm.

Trong khi đó, KTS. Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, mặc dù dường như vẫn còn thiếu tính địa phương để thực sự tạo ra hồn nơi chốn nhưng về khía cạnh thiết kế đô thị thì Phú Mỹ Hưng là một đồ án chuẩn mực. Ðồ án này xứng đáng được nghiên cứu và so sánh với phương pháp thiết kế đô thị đang thực hành và giảng dạy trong các trường kiến trúc tại Việt Nam – vốn thiếu nền tảng lý luận và bị ảnh hưởng nặng về hình ảnh của Chủ nghĩa hiện đại.

Còn PGS. TS Nguyễn Minh Hòa, Trưởng khoa Ðô thị học, Ðại học Quốc gia TPHCM, mang đến một hướng tiếp cận khác. Theo ông, Phú Mỹ Hưng góp phần định hình một phong cách sống mới, thay đổi quan niệm của mọi người về nơi cư trú, từ “một chỗ chui ra chui vào” đến “một không gian sống”. “Ðó là một sự thay đổi ghê gớm, không chỉ trong người dân mà còn tác động đến tư duy của các cấp lãnh đạo. Mặt khác, Phú Mỹ Hưng đã góp phần tạo nên lối văn hóa ứng xử văn minh, lịch sự từ chính phong cách sống của khu đô thị này”. Ông nói: “Phú Mỹ Hưng là nơi đáng để sống, là mô hình đáng để nhân rộng khắp cả nước”.

Ông Dư Phước Tân, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM thì cho rằng đô thị Phú Mỹ Hưng mang lại bốn tác động tích cực: (i) Xác lập một hướng phát triển mới về phía Nam cho TPHCM; (ii) Cung hạ tầng và không gian cho hoạt động kinh doanh quốc tế và gia tăng kết nối TPHCM với cộng đồng thế giới; (iii) Giới thiệu một mô hình phát triển đô thị và quản lý dự án bất động sản cho thị trường trong nước; (iv) Gia tăng giá trị đất đai của một khu vực vốn nghèo khó và có giá trị nông nghiệp thấp.

Với sự thành công của dự án, ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cũng công nhận: “Hai mươi năm hình thành và phát triển khu đô thị Phú Mỹ Hưng không chỉ làm thay đổi một vùng đất hoang vu thành một khu đô thị hiện đại mà còn làm thay đổi cả ý thức, quan niệm sống của cư dân về lối sống văn minh, kỷ cương, trật tự và tôn trọng pháp luật. Chưa hết, Phú Mỹ Hưng còn góp phần rất lớn vào việc hoàn thiện khung pháp lý của Nhà nước liên quan đến luật đất đai, đầu tư, nhà ở”. Ngắn gọn hơn, Giáo sư Shigehisa Matsumura, Viện Nghiên cứu Nikken Sekkei (Nhật Bản) khẳng định: “Khu đô thị Phú Mỹ Hưng là bài học về hình mẫu nhà ở, phát triển đô thị và quản lý đô thị”.

Rõ ràng, trong con mắt của các nhà chuyên môn, dù còn một số “vấp váp” trong quá trình triển khai nhưng tựu trung Phú Mỹ Hưng vẫn là một hình mẫu thành công về kinh gnhiệm phát triển đô thị, tạo ra không gian sống tốt hơn cho cộng đồng.

Phú Mỹ Hưng: 20 năm Những con số ấn tượng

• Tổng diện tích: 433 héc ta • Diện tích mặt sông: 50 héc ta • Diện tích cây xanh: 124 héc ta

• Tỷ lệ cây xanh trên đầu người: 8,9 m2  • Số dự án nhà ở đã xây dựng: 85 dự án với gần 12.000 đơn vị nhà ở

• Số mét vuông xây dựng đã hoàn tất: 2,5 triệu m2 • Dân số hiện tại: khoảng 25.000 người

• Số cơ sở y tế: gần 20 cơ sở • Số cơ sở giáo dục: gần 30 cơ sở

• Đường giao thông: 38 km và 40 cây cầu • Hệ thống cống thoát nước mưa: 76 km

• Hệ thống xử lý nước thải: 2 trạm, công suất 10.000 m3/ngày/trạm

Nguồn: thesaigontimes.vn

TIN TỨC KHÁC