Vẫn còn đó một TP.HCM đất lành chim đậu


“Chiều chiều chim vịt kêu chiều/ Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau”…

Hai câu ca dao này có nhiều dị bản, ví dụ “chiều chiều ra đứng cửa sau/trông về quê mẹ ruột đau chín chiều”, “vẳng nghe chim vịt kêu chiều/bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau”… Tiếng chim vịt kêu chiều đã được rất nhiều người trải lòng mình bằng những bài viết, lời ca cổ nghe nao lòng người.

Nhưng, nghe tiếng chim vịt thì nhiều, có điều có dễ thấy nó không? Không hề dễ chút nào, vì chim vịt thường núp trong lùm cây um tùm. Nó khó thấy nên mới sinh ra nhiều sự ngộ nhận, như nhiều người vẫn nghĩ chim vịt, chim tu hú, chim bắt cô trói cột là một. Thật ra, chúng chỉ chung Bộ cu cu (Cuculiformes), Họ cu cu (Cuculidae) chứ tên khoa học thì khác. Cụ thể, chim tìm vịt là Plaintive Cuckoo, tu hú là Asian Koel, và bắt cô trói cột là Indian Cuckoo.

Trong cả tháng 4 vừa qua, dân chụp ảnh chim ở TP.HCM mừng như bắt được vàng khi ở hồ sen lớn trong công viên Hồ Bán Nguyệt sát cầu Ánh Sao, Phú Mỹ Hưng xuất hiện mấy cặp chim tìm vịt. Cứ từ tầm 10 giờ sáng đến đầu giờ chiều, chúng xuất hiện ở hồ sen để bắt sâu. Sâu róm là thứ chúng thích, có điều không nuốt trọn con sâu gai góc đầy mình này, mà khi bắt được thì ra sức quăng quật con sâu để lớp vỏ đầy gai tróc ra và chúng ăn phần ruột. Do kiếm mồi giữa ban ngày nên chúng đã lộ diện, giúp các tay máy dễ dàng chụp được những “shot” hình đẹp của loài chim nổi tiếng về tiếng hót và khó thấy này.

Khoan. Chúng ta đang nói điều này giữa TP.HCM đó chăng?

Nhắc tới TP.HCM là nhắc tới phồn hoa đô thị, là hoa lệ long lanh, là tấp nập người xe và những phàn nàn đâu đó về khói bụi, ô nhiễm. Nhưng, không cãi cọ mà rất thuyết phục, khi TP.HCM vẫn chứng tỏ là một mảnh đất lành, nơi chim muông vẫn tìm về trú ngụ. Ở nhiều nơi như Tao Đàn, Thủ Thiêm và Phú Mỹ Hưng…, chim vẫn về và chọn vùng đất lành làm nơi bầu bạn, sinh nở, hót ca.

Đâu đó ở TP.HCM vẫn còn những trái tim và khối óc luôn không ngừng tìm cách gia tăng mảng xanh cho đô thị phồn hoa, bất chấp những thách thức về vật chất và sức ép đô thị. Như tại hệ sinh cảnh độc đáo của địa danh Hồ Bán Nguyệt (Phú Mỹ Hưng), chỉ cần lắng lòng lại một chút, nhìn vào từng rặng cây hồ nước ở đây, bạn sẽ có được điều mình ngỡ đã đánh mất từ lâu.

Cạnh hồ sen lớn của công viên Hồ Bán Nguyệt có một đôi bách thanh sinh sống. Đôi chim bách thanh này thường ra bãi cỏ trước khu vực vườn ươm của công viên để kiếm thức ăn, thường là sâu, dế.

Bách thanh khá nhỏ, thuộc Bộ sẻ, họ Laniidae, nhưng lại thuộc vào loài chim dữ! Tất cả những sáo, gõ kiến, bông lau mày trắng, choành hoạch… trong công viên đều kiêng dè bộ đôi này. Trong dân gian, bách thanh còn được gọi là tiểu ưng, bởi thân thì nhỏ, chỉ nặng trung bình 60g, nhưng tính tình chả khác nào chim ưng!

Tôi may mắn chộp được một xê-ri ảnh cảnh bách thanh đang đậu trên cành cây ngó nghiêng tìm mồi, và khi phát hiện thấy một con dế, nó lao vút xuống và chộp lấy con mồi rồi cất cánh bay lên. Tất cả đều diễn ra trong chớp mắt…

Đi săn ảnh chim ở công viên Hồ Bán Nguyệt, Phú Mỹ Hưng, sướng nhất có lẽ là chụp đôi chim sả khoang cổ sinh sống ở khu vực vườn ươm. Đơn giản bởi ở đây có ngôi lán của các công nhân chăm sóc công viên, dùng để nghỉ trưa. Các bạn công nhân khu Phú Mỹ Hưng rất thân thiện, và thấu hiểu nỗi đam mê của các tay máy say chụp chim nên không nề hà gì với việc mọi người chen chúc trú nắng trong lán.

Sả khoang cổ thuộc Bộ sả Coracliformes, Họ bói cá Alcedinidae, có tên khoa học là Collared Kingfisher. Dĩ nhiên, thức ăn yêu thích của chúng là cá, nhưng đói lòng thì cũng về vườn ươm kiếm dế dằn cái bụng háu đói. Loài chim này khá đẹp, với đôi cánh và đầu màu xanh biếc, và vùng cổ với bụng trắng muốt. Nó khá nhát, để đặt máy ảnh xong thì núp vào trong lán rồi dùng remote canh khi nó lao xuống kiếm mồi thì bấm cò. Nhưng có được ảnh của nó thì rất thích, vì nó rất đẹp!

Ngay tại đây và lúc này, đang có một điểm nhấn thú vị. Trong những ngày này, các tay máy chuyên chụp chim say sưa săn ảnh đôi sáo đá nuôi 3 con ở cây phượng giữa trung tâm công viên Hồ Bán Nguyệt. Và vừa rồi thì các sáo con đã ra ràng bay đi.

Nhưng hết chim này lại có ngay chim khác để chụp. Cách cây phượng vài mét có cây lộc vừng, và ở đó có một đôi chim chích bụng vàng (tên Golden-bellied Gerygone, danh pháp khoa học Gerygone sulphurea). Chích chỉ lớn hơn ngón tay cái một chút. Cả hai bay đi bay về nhặt từng cọng cỏ, nhúm bông làm nên chiếc tổ thật xinh xắn. Tầm vài tuần nữa, đôi chích này sẽ nuôi con, khi ấy chắc chắn đáng yêu vô cùng.

Cũng phải cảm ơn nhà phát triển Phú Mỹ Hưng đã kiên trì xây dựng nơi đây theo định hướng nhất quán từ đầu là kiến trúc “nương theo tự nhiên”, chú trọng bảo tồn hệ sinh cảnh: sông nước, tự nhiên.

Phú Mỹ Hưng phát triển không gian kiến trúc cảnh quan nhất quán khi ở mọi dự án, yêu cầu rõ ràng đặt ra cho các nhà thiết kế là phải tạo nhiều không gian thiên nhiên, đưa mảng xanh không chỉ xung quanh ngoại quan dự án mà đưa cả vào lòng công trình, từ tầng trệt, trên mái hay trong hầm giữ xe.

Một công đôi chuyện, nhờ vậy, dù là khu đô thị hiện đại bậc nhất cả nước, nhưng đều đặn mỗi ngày cư dân đều có thể ngắm nhìn và tận hưởng cảnh sắc thiên nhiên từ buổi sáng tinh mơ hay mỗi khi đi làm về. Khoảng không gian ấy cũng có thể tạo ra khu sinh hoạt cộng đồng mà người dân có thể đến bất cứ lúc nào khi cần vãn cảnh, trò chuyện hay đơn giản là để tìm một khoảng tĩnh lặng đọc sách sau một ngày tất bật với công việc. Thiên nhiên con người chan hòa với nhau.

Con người nhờ thiên nhiên mà tâm hồn nhân văn hơn và cảm nhận về nơi chốn sâu sắc thêm một phần. Đô thị cũng nhân văn hơn vì thu hút những người hướng đến giá trị nhân văn sinh sống; chim muông có nơi ra vào, ăn uống ngủ nghỉ thoải mái vì chúng vốn từ đó mà được sinh ra.

Kế bên cầu Ánh Sao là cụm đảo nhỏ, đó là “hòn đảo bảo tồn” rộng hơn 4.500m2 là nơi sinh trưởng của các loại cây mái dầm, bần, dừa nước – những loại cây đặc trưng của những vùng đất sình lầy, giữ nguyên hệ sinh cảnh – thổ nhưỡng của vùng đất Nhà Bè xưa. Trải qua bao thập niên, nơi đây vẫn là chốn bình yên của chim cá. Nhiều thời điểm trong ngày, chọn một quán ở đây ngắm trời, ngắm sông nước cũng khá thú vị, có hôm may mắn còn bắt gặp cả đàn cò trắng bình yên trên đảo, lúc rúc lông phơi nắng, khi siêng năng kiếm mồi.

Cạnh đảo, ngày ngày cư dân vẫn tận hưởng thiên nhiên và tiếng chim hót.

Đứng tại dự án mới của Phú Mỹ Hưng là Phu My Hung The Horizon, có thể cảm nhận rõ và đầy đủ hết điều này. Phu My Hung The Horizon chỉ cách cầu Ánh Sao, Hồ Bán Nguyệt vài chục bước chân. Từ năm nay, Phu My Hung The Horizon cũng được xem là một điểm độc đáo trong hệ sinh cảnh Hồ Bán Nguyệt.

Dự án này cùng những nỗ lực làm đẹp cho khu vực lõi trung tâm đến ngày nay vẫn được duy trì đều đặn theo hướng vững bền. Cùng với hàng loạt tiện ích đáng giá khác hiện diện khắp nơi trong khu đô thị như đường đi bộ, cầu bộ hành, bến du thuyền, sân chơi cho trẻ em trong một khu an cư mà mật độ sử dụng không quá cao đã thực sự đem đến không gian thoáng mát cùng không khí trong lành tốt cho sức khỏe cư dân.

Đó là nơi chim tìm về, cùng chia sẻ không gian an lành với một cộng đồng cư dân văn minh, nhân văn đa quốc tịch. Sở dĩ nói tới yếu tố quốc tế vì hiện nay, tại khu Hồ Bán Nguyệt, toàn bộ các khu căn hộ Crescent Residence 1-2-3 đều được cho thuê. Với tỉ lệ hơn 95% người nước ngoài đến từ 20 quốc gia, vùng lãnh thổ đang thuê tại đây cùng với chuỗi tiện ích dịch vụ tầm vóc quốc tế này cũng góp phần định hình giá trị khu Hồ Bán Nguyệt trên thị trường quốc tế, thu hút phần lớn lãnh đạo, quản lý cấp cao của nhiều tập đoàn các nước… chọn khi đến TPHCM sinh sống, làm việc, công tác. Họ cũng đã và đang cùng nhau tạo dựng giá trị cộng đồng cư dân nơi đây.

Nguồn: Tuổi Trẻ

TIN TỨC KHÁC