Người “quản gia” của các tòa nhà

Người “quản gia” của các tòa nhà


“Dạ vâng, con xin nhắc cho Cô biết là 8h30 sáng nay, nhân viên bảo trì bên con sẽ qua căn hộ mình để  kiểm tra vòi nước cho Cô ạ”, anh Hoàng Lê Hoàng – nhân viên quản lý khu phố Garden Plaza 1&2 – Phú Mỹ Hưng –  đang gọi điện cho một chủ căn hộ nơi anh đang quản lý. Hoàng với thâm niên 8 năm là một trong số gần 30 nhân viên quản lý khu phố thuộc Trung tâm Phục vụ Khách hàng Phú Mỹ Hưng đang làm nhiệm vụ chăm sóc, quản lý 90 khu gồm biệt thự, chung cư tại khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng.

Thoạt nhìn, công việc của các nhân viên quản lý khu phố khá đơn giản. Buổi sáng sớm mỗi ngày, trước khi tỏa xuống các khu vực mình được phân công quản lý, các anh phải rà soát lại những công việc đã được sắp xếp từ hôm trước để gọi điện nhắc cư dân hoặc các nhân viên bảo trì hỗ trợ để đảm bảo công việc trong ngày được kịp thời, nhanh chóng, chuẩn thời gian. Đúng 8g30, tất cả phục vụ khu phố phải có mặt tại địa bàn mình quản lý. Đến lúc này, công việc “túi bụi” mới chính thức bắt đầu. Này nhé, trước tiên phải xem qua báo cáo trực ban của Đội bảo vệ trực khu phố xem tối qua có phát sinh gì không. Vệ sinh khu phố cũng dứt khoát không được lơ là, không chỉ hành làng, sảnh, mà còn có cầu thang, sân thượng, khu vực công cộng,….

Chăm sóc cây xanh khuôn viên tòa nhà cũng góp phần tạo bộ mặt “trang điểm” cho khu phố nên người quản lý khu phố cũng phải quan tâm kỹ càng. Nếu cảm thấy cây không đủ đẹp, cỏ không đủ mướt thì họ hoặc là trao đổi với bộ phận phụ trách cây xanh tại chỗ hoặc trao đổi với Ban Quản trị khu phố để tìm ra phương án tối ưu. Dù không ở tại đây nhưng chính sách tiết kiệm và bảo vệ môi trường luôn được các nhân viên khu phố tuân thủ nghiêm ngặt. Như quán tính, tất cả các anh khi đến địa bàn quản lý của mình đều phải giám sát việc tắt mở đèn hành lang, tắt mở các tiện ích công cộng có theo đúng thời gian quy định không. Việc giám sát kiểm tra chất lượng nước trong các tòa nhà có hồ bơi cũng là nhiệm vụ hàng ngày của nhân viên phục vụ khu phố.

“Công việc của người quản lý khu phố không khác gì làm dâu trăm họ. Anh em chúng tôi vẫn tự ví von mình là những “quản gia” các tòa nhà”, Anh Lý Ngọc Phước – Chủ nhiệm Trung tâm Phục vụ khách hàng – Công ty Phú Mỹ Hưng chia sẻ. “Tôi gắn bó công việc này đã hơn 12 năm, từ lúc nơi đây chỉ mới có vài chung cư, đến nay đã hơn 90 khu phố. Công việc quản lý khu phố mới thoạt mô tả, ai cũng bảo đơn giản, nhưng chỉ người đã từng trải qua mới hiểu được áp lực của công việc. Bạn phải biết đặt mình vào vị trí của cư dân thì mới có thể phục vụ tốt cho cư dân được”. Một số bạn trẻ đã “dội” khi mới được tuyển vào vị trí phục vụ khu phố và đã xin nghỉ việc sau 1 tháng vì những áp lực vô hình trong công việc. Họ không thể hiểu được tại sao quản lý khu phố phải giải quyết việc bồn cầu nghẹt của cư dân, phải giải quyết việc ông A phàn nàn nhà hàng xóm chuyên môn mở nhạc lớn ảnh hưởng đến giấc ngủ, việc nhà hàng ở tầng trệt nướng thịt làm khói um lên những căn hộ bên trên, vân vân và vân vân… Những việc cỏn con ấy đã làm cho công việc của nhân viên quản lý khu phố thêm nhiều màu sắc và cũng giúp cho họ được tôi luyện sự khéo léo, tính nhẫn nại, tính khoa học trong giải quyết vấn đề.

Anh Quang Đức với thâm niên hơn 12 năm ở vai trò quản lý khu phố cũng không ngại tiết lộ:”Tôi đã từng rất áp lực vào thời gian đầu làm quen với công việc mới mẻ này vì giống như quản gia phải sắp xếp giải quyết tất tần tật những việc từ sửa chữa đến vệ sinh và thậm chí những việc mà nghe qua giống như mình là người đi hòa giải. Chẳng hạn việc Ông A đưa đơn đề nghị không cho Ông B mở nhạc ầm ĩ sáng sớm vì cuối tuần ai cũng cần nghỉ ngơi, còn Ông B lý luận nhà tôi thì tôi muốn làm gì ai dám ngăn cản cũng là vấn đề được giao cho phục vụ khu phố giải quyết”. Với Anh Quang Đức, nghề quản lý khu phố  không chỉ đòi hỏi chuyên môn, kinh nghiệm mà còn đòi hỏi cả nghệ thuật đối nhân xử thế . “Chúng tôi cần tạo cho người dân cảm giác được hài lòng và thoải mái khi đặt chân về nơi chốn an cư của mình” anh Quang Đức chia sẻ.

Có lẽ nói phục vụ khu phố là nghề làm dâu trăm họ quả không ngoa. Đã làm dâu trăm họ thì sẽ có trăm ngàn ý kiến nhưng các anh Ngọc phước, Lê Hoàng, Quang Đức… vẫn lựa chọn gắn bó với nghề này. Các anh luôn khẳng định công việc rất thú vị vì đa dạng. Nhưng bản thân các anh Quản lý khu phố cũng sẽ khó hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ của mình nếu không có sự phối hợp và hỗ trợ của lực lượng Bảo trì khu phố – những nhân viên sửa chữa hỏng hóc, ống nghẹt,… lực lượng văn phòng hỗ trợ các anh em các thủ tục liên quan,… những lực lượng thầm lặng ấy đã góp phần tô điểm cho vai trò hoàn hảo của người nhân viên khu phố.
Chúng ta hãy theo chân anh Hoàng Lê Hoàng để xem một ngày làm việc của anh bắt đầu và kết thúc như thế nào nhé

8:00   Kiểm tra lại các hạng mục đã ghi chú hôm qua; Gọi điện nhắc khách hàng các cuộc hẹn (nếu có).

8:30   Có mặt tại khu phố quản lý

  • Kiểm tra nhật ký bảo vệ đêm qua.
  • Kiểm tra vệ sinh.
  • Kiểm tra công tác cây xanh: Có bị héo úa? Có cần bổ sung cây mới?
  • Kiểm tra đèn hành lang, quạt gió, các thiết bị công cộng.
  • Kiểm tra hồ bơi, sân tennis.
  • Hướng dẫn nhân viên trực câu lạc bộ Hồ bơi, sân tennis: tác phong, đồng phục, cách đăng ký sân cho cư dân, thái độ với cư dân.
  • Kiểm tra khu vực tầng hầm để xe.
  • Kiểm tra tình trạng chung của tòa nhà: xem có thấm, nứt gì không?
  • Thăm hỏi, lắng nghe ý kiến cư dân.
  • Phối hợp với bảo trì sửa chữa khu công cộng nếu có vấn đề.

16:30 Về lại văn phòng, tổng hợp các công việc trong ngày, ghi nhận các công việc cần giải quyết cho ngày hôm sau.

ĐỘI BẢO TRÌ CÓ MẶT TRÊN TỪNG KHU PHỐ

Như thường lệ, mỗi 8giờ sáng là lúc họp nhận nhiệm vụ cho ngày làm việc mới của anh Thiên Nhiên – nhân viên Đội bảo trì của Phòng Hậu mãi Phú Mỹ Hưng. Gắn bó nơi đây hơn 6 năm, với Thiên Nhiên, công việc bảo trì như là một phần của cuộc sống.

Là nhân viên Tổ điện, công việc hàng ngày của Thiên Nhiên là kiểm tra các khu vực phòng máy điện công cộng ở hành lang chung cư, sân tennis; kiểm tra phòng bơm; thực hiện sửa chữa theo yêu cầu cụ thể của bộ phận quản lý khu phố. Đội bảo trì của Phòng Hậu mãi gồm 4 tổ: tổ điện, tổ cấp thoát nước, tổ xây dựng, tổ thiết bị và mỗi tổ đều có nhiệm vụ rõ ràng. Anh Hoàng Sơn, chủ nhiệm Đội Bảo trì chia sẻ: “Tên của mỗi tổ đã nêu bật lên được nhiệm vụ của các thành viên trong tổ rồi. Công việc của chúng tôi gắn bó chặt chẽ với bộ phận quản lý khu phố. Chúng tôi nhận yêu cầu hay phản ánh từ nhân viên quản lý khu phố và việc kiểm tra, sửa chữa, giám sát, liên lạc với Công ty lắp đặt,… là trách nhiệm của chúng tôi”.

Công việc của người bảo trì dường như là công việc phía sau, ít người dân biết đến cho đến khi nhà họ nghẹt bồn cầu hay cháy bóng đèn! Điều này cũng đúng thôi vì nhiệm vụ của Đội Bảo trì là bàn giao lại cho người dân sản phẩm được vận hành tốt như đèn phải sáng, máy phát điện phải chạy ro ro, ống thoát nước không được nghẹt, v..v… Có lẽ ít cư dân nào chứng kiến được cảnh các nhân viên bảo trì đội mưa làm thâu đêm để giải quyết tình trạng bể ống nước tràn ra đường hay chứng kiến cảnh họ phải tát nước giúp cư dân vì nước tràn vào tầng hầm. Công việc của họ rất thầm lặng. Đơn giản họ nhận thấy đó là trách nhiệm.

TIN TỨC KHÁC