TUYẾN ĐƯỜNG CHIẾN LƯỢC VÀ SỰ TRỖI DẬY CỦA NHÀ BÈ
Từ hơn 2 thập niên trước, định hướng đổi đời cho Nhà Bè được xác định bắt đầu từ sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế; theo đó, hướng phát triển đột phá phải đi từ đổi mới hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đô thị.
Chính sách kêu gọi đầu tư ra đời thời điểm đó đã mở đường cho những nhà đầu tư nước ngoài đến đánh thức tiềm năng của vùng đất. Công ty Phú Mỹ Hưng “đến” với vùng đất Nam Sài Gòn năm 1993 với 2 nhiệm vụ chính là xây dựng tuyến đường Nam Bình Chánh – Bắc Nhà Bè và 5 cụm độ thị dọc theo tuyến đường.
Ngày 30 tháng 12 năm 1996, tuyến đường được khởi công và mang trên mình một sứ vụ quan trọng là góp phần đưa cả vùng đất phía Nam, TP.HCM nói riêng và các vùng kinh tế chiến lược của miền Đông Nam Bộ bước sang một trang mới.
Năm 2000, con đường đã được vinh dự đặt tên theo cố tổng bí thư Nguyễn Văn Linh. 30/12/2007, toàn bộ Đại lộ Nguyễn Văn Linh – tuyến đường đô thị lớn nhất, hiện đại nhất của TPHCM với chiều dài 17,8 km, tổng vốn đầu tư: 100 triệu USD được hoàn thành theo đúng tiến độ.
KẾT NỐI VÀ MỞ RỘNG GIAO THÔNG
Sẽ không quá cường điệu khi cho rằng sự có mặt của tuyến đường đã làm sáng lên những vấn đề cơ bản của đô thị hoá, là điểm nhấn cho tiến trình thay đổi bản chất kinh tế, bộ mặt an sinh xã hội của Nhà Bè. Hơn thế, tuyến đường chính là chất xúc tác, chất keo kết dính trong việc xác định hạ tầng và quy mô đô thị hoá cho thành phố tiến ra biển Đông với tầm nhìn từ thế kỷ 21.
Trước hết, tuyến đường huyết mạch có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển kinh tế cho khu vực phía Nam thành phố, kết nối với những công trình trọng điểm như: Khu chế xuất Tân Thuận, Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, Nhà máy điện Hiệp Phước, Khu công nghiệp Hiệp Phước và Khu đô thị cảng Hiệp Phước. Con đường thành hình, việc trung chuyển hàng hóa từ Khu Chế Xuất Tân Thuận, cảng Sài Gòn, cảng Tân Thuận các tổng kho, tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và ngược lại đã được giải quyết.
Tầm chiến lược của con đường càng được xác định rõ nét và trở thành tuyến vành đai chủ lực tạo mạng lưới giao thông liên hoàn từ Nam Sài Gòn đến các quận, các tỉnh miền Tây Nam Bộ với các vùng kinh tế trọng điểm miền Đông Nam Bộ khi cầu Phú Mỹ vượt sông Sài Gòn được xây dựng, nối liền trục giao thông vành đai phía Đông thành phố, nối từ Q.7, sang quận 2 và Q.9.
Như vậy, với những định hướng cơ bản về việc phát triển, đại lộ Nguyễn Văn Linh băng qua hàng loạt sông rạch đầm lầy, được thông với các tuyến giao thông nội thành từ Nam thành phố đến các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam Bộ, cùng với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Trục xương sống huyết mạch này còn đóng vai trò quyết định trong việc huyển đổi phần lớn cư dân nông thôn sang cư dân thành thị. 21 phân khu chức năng được định hình và phát triển xoay quanh nó như: khu dân cư, trung tâm lưu thông hàng hoá, khu công nghệ cao, khu làng đại học…
Chính sự phát triển đô thị Phú Mỹ Hưng và cùng với tuyến đường, đại lộ Nguyễn Văn Linh đã làm thay đổi cả một vùng đất, cả một khu vực phía Nam thành phố. Từ một vùng nông thôn, nông nghiệp thuần túy đất phèn chua, ao hồ, dừa nước, sình lầy, sông rạch chằng chịt, giao thông đi lại khó khăn, chủ yếu là đường sông nay là một vùng đất trù phú, tốc độ đô thị hóa nhanh, rồi quận 7 tách từ huyện Nhà Bè, quận Bình Tân tách ra từ huyện Bình Chánh, quận 4, quận 8, quận 5 thông thương giao lưu đi lại dễ dàng.
Nếu có dịp nhìn con đường từ trên cao thì bất kỳ ai cũng cho rằng đó là “xương sống của con cá khổng lồ” với vô số những “vây cá lớn” hai bên. Từ trục chính này, hàng loạt các cầu đường nhánh được hình thành đi vào các quận, khu đô thị, khu công nghiệp, tạo nên mạng lưới giao thông liên hoàn đưa Nam Sài Gòn gần với các quận hơn.
Cầu Nguyễn Tri Phương, cầu Chánh Hưng nối nhịp Q.5, Q.6 với Q.8, Q.7; cầu Kênh Tẻ nối hai bờ Q.4 và Q.7; cầu Nguyễn Văn Cừ nối liền 5 quận 1, 4, 5, 8 và 7, cầu Tân Thuận 2 nối liền Q.4 và Q.7. Trước đây, ai cũng ngại nạn kẹt xe ở “nút cổ chai” – cầu Tân Thuận thì nay từ Q.1, Q.3, Q.5… chỉ cần 10~15 phút xe máy có thể đến Q.7 bằng nhiều hướng khác nhau.
ĐÒN BẨY PHÁT TRIỂN BẤT ĐỘNG SẢN
Lời giải cho bài toán giãn dân và giảm áp lực ách tắc giao thông quận 7, các quận lân cận được giải quyết phần nào. Sức sống của Nhà Bè xưa đã khởi sắc. Hệ quả tất yếu của quá trình đô thị hóa đã sáng tạo giá trị cho cả vùng đất và có sức lan tỏa đến các khu vực lân cận và “cú hích” kỳ diệu này đã làm nên sự gia tăng ngoạn mục giá trị bất động sản trên một vùng rộng lớn.
Men theo dòng chảy của đại lộ Nguyễn văn Linh hôm nay, sẽ bắt gặp những công trình kiến trúc bề thế, những công viên xanh hòa quyện trong hàng vạn mái ngói đỏ tươi, những cao ốc, trung tâm thương mại sầm uất lần lượt mọc lên. Từ đây, những hình hài mới được định danh trên bản đồ với các tên gọi được người ta nhắc đến nhiều hơn như khu đô thị Phú Mỹ Hưng, khu dân cư Trung Sơn…
ĐẠI LỘ XANH – SỰ KHÁC BIỆT CỦA MỘT CON ĐƯỜNG
Mang trên mình một “trọng trách” to lớn là thế, nhưng mấy ai biết, tuyến đường rộng nhất Việt Nam 120m với 10 làn xe đã phải vượt qua 40 cây cầu, băng gần 18km sình lầy, sông rạch. Toàn tuyến đường có gồm 10 làn xe gồm 6 làn xe chạy nhanh và 4 làn sử dụng hỗn hợp; riêng đoạn đi qua khu A đô thị Phú Mỹ Hưng có 14 làn xe gồm 6 làn xe chạy nhanh và 8 làn hỗn hợp.
Có rất nhiều nhận xét cho rằng, chỉ cần bước chân vào đại lộ Nguyễn Văn Linh là có thể cảm nhận sự thay đổi rõ rệt của chất lượng không khí: Đó là sự trong lành, mát mẻ, thoáng mát, nhiệt độ giảm đáng kể có được là nhờ vào hệ thống cây xanh, mặt nước của toàn tuyến đường.
Ngay trong quy hoạch tổng thể ban đầu, đại lộ có tên là Parkway – Đại lộ xanh. Có thể nói, cho đến hôm nay, đây chính là điểm khác biệt về diện mạo của tuyến đường so với những con đường khác. Một vệt cây xanh rất lớn đang vươn cao xanh tốt dọc suốt tuyến đường này.
Toàn bộ tuyến đường hiện có hơn 10.000 cây xanh các loại được trồng, trong đó chủ yếu là cây Phèo Heo, Xà Cừ, Bàng Đài Loan, Bẳng Lăng. Diện tích phủ xanh hiện có trên tuyến đường là 11.400m2 và tập trung chủ yếu ở khu đất dự trữ phát triển các phương tiện giao thông công cộng sau này với chiều rộng từ 18 – 36m. Tổng diện tích đất trống và dự trữ hiện vào khoảng 314.000m2 và riêng khu đất dự trữ hiện được sử dụng làm vườn ươm để phục vụ cho công tác phủ xanh đô thị.
Chi phí chăm sóc cây xanh và vệ sinh tuyến đường Nguyễn Văn Linh là gần 7 tỷ đồng/năm. Công tác cắt tỉa tạo nhánh, trồng dặm cho hệ thống cây xanh toàn tuyến được thực hiện trung bình 3 tháng. Vào mùa mưa, công tác cắt tỉa sẽ tăng cường để giảm thiểu việc cây gãy đổ khi thời tiết thay đổi đột ngột.
Đặc biệt, dọc tuyến đại lộ Nguyễn Văn Linh có 2 mảng xanh rất lớn, rộng đến mấy hecta đó là công viên Wonderland và Hồ Bán Nguyệt. Đây là những không gian công cộng của đô thị Phú Mỹ Hưng, vừa là điểm nhận diện của đại lộ Nguyễn Văn Linh. 2 công viên này có vị trí ở 2 tiểu khu là Khu Cảnh Đồi và Văn Hóa Giải Trí. Những dự án có vị trí gần 2 công viên này được “hưởng” lợi ích nhiều nhất từ 2 công viên nay: không gian thoáng mát, tầm nhìn bao quát, thuận tiện di chuyển khi có nhu cầu tập thể dục và sau hết là giá trị bất động sản tại các khu vực gần công viên luôn có biên độ gia tăng hơn những nơi khác từ 15~20%.
KẾT
Nhìn lại chặng đường hơn 2 thập niên xây dựng và phát triển tuyến đại lộ Nguyễn Văn Linh, có thể thấy kết luận rằng, con đường chính là khúc nhạc dạo đầu có sức hút quan trọng trong việc khơi nguồn ý tưởng xây dựng đô thị Phú Mỹ Hưng và phát triển kinh tế của khu vực phía Nam thành phố, tạo lợi thế cho thành phố hội nhập kinh tế quốc tế, giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, thu hút các nguồn lực đầu tư nước ngoài, khơi dây mạnh mẽ các nguồn lực trong nước. Hơn thế, đại lộ Nguyễn Văn Linh – trục đường rất quan trọng nối liền Đồng bằng Sông Cửu Long và các tỉnh miền Đông, cũng đã làm thay đổi biết bao nhiêu điều từ nếp sống, cách nghĩ, phương pháp lao động tiên tiến, khoa học kĩ thuật phát triển.
Riêng với đô thị Phú Mỹ Hưng, con đường chính là một phần quan trọng của công trình phát triển đô thị. Con đường dẫn đến nhà ở, đến các tiện ích đô thị một cách thoải mái, làm tăng lên hệ số chất lượng công trình trong khu đô thị. Giá trị con đường tạo nên giá trị gia tăng cho các công trình nhà ở các loại, các khu thương mại dịch vụ, khu vui chơi. Có thể thấy sự kết nối giữa các giá trị từ công trình này hết sức chặt chẽ: Giá trị con đường – Giá trị các căn nhà – Giá trị các công trình tiện ích hoàn chỉnh đồng bộ – Giá trị cây xanh và ánh sáng tự nhiên tràn vào trong tầm nhìn các cư dân sống trong khu đô thị.
Điều này đồng nghĩa các công trình nhà ở phát triển xung quanh trục Nguyễn Văn Linh mang một giá trị rất lớn cho người sử dụng về giá trị sử dụng lẫn giá trị gia tăng tài sản.
Urban Hill – dự án mới nhất của Phú Mỹ Hưng trên đại lộ Nguyễn Văn Linh.