Nhà chung cư: Rất cần những không gian giao tiếp

Nhà chung cư: Rất cần những không gian giao tiếp


Đảo một vòng các khu chung cư tại TP.HCM, điều dễ nhận thấy nhất là không gian công cộng tại các chung cư được sử dụng theo hai hướng chính. Ở hướng thứ nhất, khái niệm không gian chung dường như không tồn tại bởi các không gian này bị chiếm dụng tối đa làm hàng quán, chỗ đậu xe, các hành lang đi bộ bỗng chốc thành chỗ để xe lý tưởng của khách đến các quán càphê, Internet, gội đầu bình dân…ở tầng trệt.

Có thể nói điểm chung của khuynh hướng này là mỗi mét vuông không gian chung của chung cư đều bị tận dụng làm điểm kinh doanh. Ở khuynh hướng thứ 2, khái niệm không gian công cộng được hiểu là không gian cho tất cả cư dân nhằm tạo những mảng xanh đối lưu không khí và là cầu nối giao tiếp.

Không gian chung – Chỉ là một lối đi!

Khuynh hướng thứ nhất thường rơi vào những chung cư cũ. Điển hình là chung cư Vĩnh Hội nằm trên đường Nguyễn Hữu Hào, P.6, quận 4, TP.HCM bị cơi nới, lấn chiếm, xuống cấp trầm trọng, nên chẳng ai còn quan tâm đến nét văn minh cộng đồng. Không gian chung chỉ là một lối đi rất hẹp bị đồ đạc lấn chiếm, nếu xảy ra hỏa hoạn chỉ có cách khoanh tay đứng nhìn (ảnh 1). Một số chung cư trên đường Phạm Ngọc Thạch, P.6, Q.3 có đến 2/3 diện tích của lối dẫn vào chung cư được trưng dụng làm chỗ để xe cho các hộ trên lầu. Khi cần họp lấy ý kiến cư dân sống trong chung cư, tổ trưởng dân phố huy động mỗi người mang một chiếc ghế đến khoảng trống chính giữa khuôn viên để họp. Cũng trên đoạn đường này, một chung cư khác được thiết kế theo hình chữ U, tuy nhiên phần không gian lõm của chữ U thay vì là sân chung thì biến thành bãi đậu xe “khổng lồ” cho cả những cư dân trong chung cư lẫn những người làm việc văn phòng quanh đó. Các hành lang trước căn hộ cũng được tận dụng tối đa, để kệ giày, cây cảnh…Tiếp xúc với các cư dân nơi đây, hầu như họ đều chấp nhận bởi không còn giải pháp nào khác tốt hơn. Nhưng có lẽ thiệt thòi nhất vẫn là trẻ em ở các khu chung cư này, khoảng trống duy nhất làm sân chơi cho các em là những diện tích chưa bị chiếm dụng tại các hành lang, hoặc ở những cầu thang bộ của khu chung cư, nơi không thể bị chiếm dụng.

Với những chung cư cũ như chung cư 289, Trần Hưng Đạo, phường Cô Giang, quận 1, nằm trên một trục đường lớn của trung tâm thành phố, hiện đã xuống cấp ở mức báo động, sinh hoạt cư dân lộn xộn, gây mất mỹ quan…có thể “thông cảm” vì các chung cư này xây ít nhất trên 20 năm, kiến trúc đã lỗi thời và không dự trù được nhu cầu sử dụng khi lượng dân cư tăng nhanh (Aûnh 2) đã đành, nhưng với những công trình tái định cư được đưa vào sử dụng không lâu như một cụm chung cư ở đường Hoàng Sa (ven kênh khúc cầu Thị Nghè) thì không thể đưa ra bất kỳ lý do nào để biện minh. 5h30 chiều, quang cảnh ở đây giống như phiên họp chợ. Dường như không có chỗ trống nào không được sử dụng với đủ các kiểu hàng quán: cà phê, bún bò, phá lấu, nhậu bình dân, ốc các loại…mọc lên khắp nơi trên vỉa hè, lề đường. Chỉ cần đặt được một chiếc bàn con con, lập tức không gian “quý như vàng” này sẽ được cư dân chiếm dụng ngay để buôn bán. Các căn hộ tầng trệt nghiễm nhiên được chủ nhà biến thành những dịch vụ không cần tiếp thị: cửa hàng tạp hóa, nhà để xe, Internet, gội đầu bình dân… và họ sử dụng hành lang làm nơi để xe cho khách. Số hàng quán còn lại chủ yếu là quán di động, một phần do các hộ dân trong khu tận dụng buôn bán, một số khác do những người ở nơi khác đến bán rong. Cư dân muốn đi bộ thì đành đi bộ giữa lòng đường. Theo đó, việc di chuyển phương tiện xe máy, xe hơi khá khó khăn vì diện tích lòng đường bị thu hẹp, thỉnh thoảng, vài chiếc xe hơi, xe máy bấm còi ing ỏi làm cho quang cảnh càng trở nên náo động.

Không gian chung — Một cầu nối giao tiếp cộng đồng

Một Phó giáo sư chuyên nghiên cứu về các hoạt động cộng đồng của Trường đại học Khoa học Xã hội Nhân văn cho rằng: “Ởû các khu đô thị mới, các công trình tái định cư nâng cấp cố gắng tạo nên những không gian giao tiếp. Đôi khi trên đường chỉ là cái ghế ngồi, khi người ta đi chợ, mệt quá có thể ngồi nghỉ, nói chuyện với nhau. Hoặc tạo ra những vườn dạo (Vườn dạo chứ không phải công viên). Vườn dạo chỉ là những mảnh đất nho nhỏ, đôi khi chỉ là những hàng xây xanh, có một, hai chiếc ghế đá cho các cụ già ngồi chơi với nhau, giữa hai tòa nhà là chỗ cho trẻ con chơi. Khi trẻ con chơi với nhau, cha mẹ sẽ tiếp xúc với nhau và tất cả cái đó sẽ tạo ra không gian và người ta sẽ lưu giữ lại những nét văn hóa cộng đồng trong xã hội hiện đại”.

Theo nhận định này thì việc sử dụng không gian chung nên hướng đến việc tạo cầu nối giao tiếp cộng đồng. Điều này hoàn toàn có thể thực hiện được bởi không gian này không nhất thiết phải quá rộng, nhưng ngay từ khi thiết kế bản vẽ, các nhà xây dựng cần quy hoạch và phân chia rõ chức năng sử dụng. Không gian trống này thường được thiết kế ở giữa hai tòa nhà, là nơi hội tụ nhiều chức năng của cuộc sống hàng ngày như đối lưu không khí để lấy ánh sáng, gió trời, nghỉ ngơi, giải trí, vui chơi, gặp gỡ và trao đổi. Điều này thật sự cần thiết bởi với những khu dân cư và đô thị mới là nơi hội tụ nhiều người từ các vùng khác nhau, chưa kể người nước ngoài nên họ phải có điều kiện, cầu nối giao tiếp và không gì tốt hơn để kéo họ gần lại với nhau trong tình làng nghĩa xóm chính là những khoảng không gian bên ngoài.

Các nhà cao tầng mới được xây dựng tại TP.HCM trong vài năm trở lại đây như chung cư trên đường Hồ Văn Huê, Đặng Văn Ngữ, chung cư 5B, Q.4… quy hoạch và sử dụng tốt không gian này. Hoặc các chung cư thuộc khu đô thị Phú Mỹ Hưng (PMH) nơi có khá nhiều nhà cao tầng thì có thể thấy rằng, ngoài chức năng tạo cảnh quan, đối lưu không khí, thì không gian công cộng được sử dụng như một cầu nối giao tiếp giữa các cư dân. Thường mật độ xây dựng tại các khu căn hộ ở đây không quá 50%, phần diện tích còn lại tạo hoa viên, vườn dạo, công viên đô thị, chỗ cho trẻ chơi… Buổi chiều đến bất kỳ khu chung cư nào trong PMH cũng cảm nhận được cảnh yên bình nơi đây. Chỗ thì trẻ chơi cầu tuột, đạp xe, chỗ đi dạo…người lớn chạy bộ, đọc sách…

Ngoài các không gian dưới đất, PMH còn có thiết kế vườn dạo, hoa viên lộ thiên ở tầng 3, tầng 7 (căn hộ Park View), tầng cao nhất của tòa nhà (The Grand View), hoặc tạo những phố mua sắm lộ thiên kết hợp đi dạo và mua sắm (khu Sky Garden). Riêng cụm chung cư Mỹ Khánh ngoài hoa viên còn có phòng sinh hoạt cộng đồng — Đây là một không gian chức năng mới trong khái niệm không gian giao tiếp, sẽ là nơi họp mặt, liên hoan khu phố, hoặc cư dân có thể sử dụng tổ chức tiệc sinh nhật…Trao đổi với bác Chương — một cư dân của PMH về việc cần thiết quy hoạch sân chơi chung cho khu phố, bác cho biết: “Tôi mua căn hộ khoảng sáu mấy mét vuông, hai vợ chồng già ở rất tốt. Mỗi buổi sáng chúng tôi có không gian để đi tập thể dục, mỗi buổi chiều có cảnh bờ hồ đi dạo, thoải mái thư giãn và điều tuyệt vời hơn là tìm một góc nhỏ trong vườn dạo ngồi thư thả. Môi trường sạch, con cháu qua đây chơi tung tăng chạy nhảy trong bãi cỏ không sợ dơ, kim chích…”.

Việc quy hoạch và sử dụng đúng mục đích không gian chung tại các khu căn hộ là một giải pháp tốt giải quyết tình trạng chung của người dân thành phố là “khát công viên”, có thêm nhiều không gian giao tiếp tạo cầu nối thân thiện giữa các cư dân, góp phần lưu giữ nét văn hóa cộng đồng trong xã hội hiện đại như lời vị phó giáo sư đã nói.

Phú Mỹ Hưng — Một đô thị chuẩn về không gian chung

Không gian công cộng tại PMH tương đối đa dạng: hoa viên, vườn dạo, phố mua sắm, phòng cộng đồng. Các chung cư tại PMH đều quy hoạch riêng nhà để xe và các không gian công cộng, có lối đi riêng nên sân chung này khá trọn vẹn. Các chung cư Mỹ An, Mỹ Cảnh, Mỹ Phước quy hoạch kiểu chữ U tạo một không gian ấm cúng, cư dân như được bảo bọc trong một cộng đồng thân thiện. Không gian này trồng nhiều cây xanh tỏa bóng, những lối dạo được tráng nhựa, một phần không gian sử dụng đặt các trò chơi cho trẻ con cầu tuột, xích đu, bập bênh. Các chung cư Hưng Vượng cũng được thiết kế tương tự.

Ngoài ra, PMH đa dạng các không gian công cộng bằng cách tạo những hoa viên trong khối kiến trúc. Ví như, căn hộ cao cấp Park View trong khối kíên trúc có 3 hoa viên lộ thiên. Ở tầng 3 từ cầu thang có thể bước ra hao viên lộ thiên có ghế đá, các phẹt gỗ che nắng. Tầng 7 cũng có một hoa viên tương tự và từ tầng 7 có một thang bộ lộ thiên bước lên hoa viên của tầng 8. Các hoa viên “lơ lửng” vừa tạo những điểm nhấn kiến trúc, vừa là những vườn dạo hóng mát ngắm cảnh quan.

Một kiến trúc không gian chung có “một không hai” tại TP.HCM là “phố ở trên cao” của khu căn hộ Sky Garden (Aûnh 3). Đây là cụm các dãy nhà nhà cao tầng được nối kết với nhau bằng phố mua sắm lộ thiên ở tầng 2. Theo trục hoành, khoảng cách giữa các dãy là 32m, trên có thiết kế hoa viên. Theo trục trục tung, các dọc các dãy nhà là những cửa hàng mua sắm, xen giữa là những hoa viên, hồ phun nước…Theo đúng ý tưởng của tên gọi Sky Garden, cư dân ở đây có thể sử dụng không gian chung này làm nơi dạo bộ, tập thể dục, ngắm cảnh kết hợp mua sắm.

Ở cụm chung cư Mỹ Khánh, ngoài hoa viên dưới đất ngăn cách giữa khu nhà phố và căn hộ, Mỹ Khánh có phòng sinh hoạt cộng đồng. Đây cũng có thể gọi là không gian chung cho toàn cư dân bởi cư dân có thể sử dụng cho mục đích chung hoặc mục đích riêng như tổ chức họp mặt, liên hoan, sinh nhật khi các chủ hộ không muốn tổ chức tại nhà. Ngoài ra, phòng cộng đồng thiết kế ngay tầng 2 của tòa nhà, có thể đi lên hồ bơi lộ thiên. Hồ bơi này dành một khoảng diện tích khá rộng để cư dân có thể ngắm cảnh, thư giãn, trò chuyện…Bên cạnh phòng cộng đồng còn có phòng riêng cho trẻ nô đùa, các bậc phụ huynh có thể yên tâm hội họp, sinh hoạt.

Luôn hướng việc quy hoạch, thiết kế, xây dựng các công trình theo tiêu chí “mở cửa ra, bầu trời trên đầu, cây xanh, mặt nước và không khí trong lành là những vị khách đầu tiên chào đón cư dân bắt đầu ngày mới” — đó là mục tiêu Công ty PMH. Thiết nghĩ, cách của PMH tạo những khoảng không gian chung này vừa giúp cư dân sống chan hòa với thiên nhiên cây cỏ, vừa để lưu giữ nét văn hóa truyền thống sống theo làng, bộ, cộng đồng từ thời xưa của ông cha để lại…cần được nhân rộng.

ND
(Theo PLVN, ngày 26-10-2005)

TIN TỨC KHÁC