Quỹ Lawrence S. Ting và Cuộc thi thiết kế bài giảng e – Learning “Dư địa chí Việt Nam”

Quỹ Lawrence S. Ting và Cuộc thi thiết kế bài giảng e – Learning “Dư địa chí Việt Nam”


Với sự tài trợ của Quỹ hỗ trợ cộng đồng Lawrence S. Ting và dưới sự lãnh đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Cục Công nghệ thông tin, cuộc thi thiết kế bài giảng e – Learning lần thứ tư theo chủ đề “Dư địa chí Việt Nam “ đã được tổ chức. Cuộc thi năm nay thành công ngoài mong đợi với 3.797 tác phẩm dự thi của hàng ngàn thầy cô giáo đến từ khắp 63 tỉnh thành trên cả nước. Điều đặc biệt, có một người tham dự cuộc thi này đã từng 3 năm liền nhận được học bổng Lawrence S. Ting thuở còn là sinh viên.

Mục đích cuộc thi

– Đẩy mạnh phong trào ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới phương pháp dạy học, tăng cường tính sáng tạo, tích cực và tự học.

– Bước đầu xây dựng bộ Dư địa chí Việt Nam trên cơ sở ứng dụng bài giảng điện tử e-Learning.

– Xây dựng tư liệu về đất nước, con người Việt Nam trên 63 tỉnh, thành phố để tạo ra nguồn tư liệu ban đầu cho đề án xây dựng một bộ Dư địa chí Việt Nam trong tương lai. Qua đó bổ sung tư liệu cho các môn học Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, đồng thời tạo điều kiện giới thiệu tiềm năng kinh tế, văn hóa, xã hội của từng địa phương.

Phạm vi, nội dung và đối tượng dự thi

Cuộc thi được tổ chức trên phạm vi cả nước với nội dung chính liên quan đến văn hóa và lịch sử địa phương; danh nhân văn hoá và lịch sử; con người, nếp sống, phong tục, tập quán, lễ nghi, tôn giáo, cùng với quá trình hình thành, điều kiện địa lý, thổ nhưỡng của từng địa phương; những chuyển động và biến đổi về tự nhiên, về con người, về đời sống văn hóa, xã hội của địa phương trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Đồng thời qua đó thể hiện được nét đẹp, tình yêu với vùng đất, với con người.

Đối tượng dự thi là các cá nhân hoặc nhóm giáo viên đang tham gia giảng dạy tại các trường trung học, trung tâm giáo dục thường xuyên, giảng viên các trường đại học, cao đẳng.

Yêu cầu đối với bài giảng e- learning tham gia dự thi

– Sản phẩm dự thi phải được tạo ra từ các công cụ tạo bài giảng, được Ban tổ chức thẩm định, đánh giá, lên danh sách giới thiệu sử dụng. Cụ thể danh mục phần mềm ưu tiên sử dụng là phần mềm Adobe Presenter, Articulate Presenter, Adobe Captivate và Lecture Maker.

– Bài dự thi cần tương thích và có thể tải vào hệ thống quản lí nội dung bài giảng (LCMS) do Ban tổ chức quyết định sử dụng như hệ thống Adobe Connect, Teaching Mate…

– Tư liệu được sưu tầm từ địa phương. Bên cạnh việc dùng một phần các tư liệu đã có, Ban tổ chức khuyến khích giáo viên tự tạo video, tự ghi hình các cảnh quan thiên nhiên, phố cổ được phát hiện, những sản phẩm địa phương có giá trị sử dụng (dược thảo, công năng, cách chế biến…); điệu hát, điệu múa dân gian mới phát hiện… tác giả tự chụp, ghi hình các ảnh tư liệu nếu có điều kiện (ảnh di tích, ảnh nhân vật lịch sử, ảnh thiết bị, sản phẩm, qui trình sản xuất gia công chế biến…); tự vẽ hình đồ hoạ (graphic); để mô tả rõ ràng, sống động hơn.

Gặp gỡ các cô giáo tại TP.HCM đoạt giải cao ở cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử e- Learning với chủ đề “Dư địa chí Việt Nam”:

Hẹn gặp trò chuyện cùng các cô giáo vào một ngày nắng đẹp ngay trung tâm Sài Gòn. Các cô rất trẻ trung, yêu đời và nhất là đầy đam mê truyền lửa cho học trò qua phương pháp chuyển tải thông tin và kiến thức mới rất sinh động và hấp dẫn.

Cô Đinh Thị Thu Phấn, Trường THCS Hậu Giang (quận 11) với bài giảng “Sông nước Cà Mau”

Nghe tin bài dự thi đoạt giải, cô Phấn nói rằng đã mừng đến mức bỏ ăn luôn. Giọng nói của cô và khuôn mặt ấy tràn đầy niềm vui.

Với 28 tuổi đời và có 4 năm dạy môn Ngữ văn ở Trường Hậu Giang, bài thi của cô là bài giảng môn Ngữ văn dành cho lớp 6. Cô tham gia cuộc thi do say mê nghiệp giảng, muốn có giáo án ngày càng hấp dẫn học trò chứ thực tế khi đến với cuộc thi,cô gặp nhiều khó khăn vì “đa phần thầy cô khối Ngữ văn thường “thua kém” các thầy cô khối khác về công nghệ tin học”.

Tự mày mò, tìm hiểu thông tin cần thiết cho bài giảng và các kỹ thuật , phần mềm liên quan, cô bắt đầu thiết kế bài giảng điện tử từ cuối tháng 5-2014 và hoàn chỉnh sau 2 tháng hè. Cô kể có những kỷ niệm rất vui như khi thu âm lời bài giảng tại nhà, cô phải thực hiện nhiều lần vì “cứ lẫn lời giảng với tiếng xe và tiếng gà gáy”. Tìm ra một phòng thu âm chuẩn với cô Phấn cũng không phải là điều dễ dàng.

Quê ở Củ Chi nhưng cô Phấn lại chọn đề tài là “Sông nước Cà Mau”. Cô nói mình có tình cảm đặc biệt với các tỉnh miền Tây, bài giảng “Sông nước Cà Mau” được trích từ tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi và gắn với bộ phim “Đất phương Nam” mà cô yêu thích từ nhỏ. “Tôi mê mẩn con người, thiên nhiên, phong cảnh miền Tây và muốn có dịp tìm hiểu, đào sâu để có một bài giảng tạo cảm xúc cho học sinh”, cô Phấn chia sẻ.

Cô “bật mí” sau khi thực hiện bài dự thi, cô thử giảng cho các em học sinh và nhận được phản hồi cực tốt. Các em rất thích và gần như bị lôi cuốn hoàn toàn vào từng lời cô giảng với nhiều thông tin và hình ảnh sinh động dù chỉ mới trên bài powerpoint. Cô mong muốn qua bài giảng này các em học sinh không chỉ yêu Cà Mau mà còn yêu quê hương Việt Nam xinh đẹp với bao danh lam thắng cảnh, yêu cả con người Việt Nam sống giản dị mà dào dạt nghĩa tình. Đó là nền tảng cho tình yêu quê hương đất nước rộng lớn hơn.

Cuộc thi đã mang đến cho cô và học trò nhiều điều hơn là phần thưởng đoạt giải. Kiến thức và kỹ năng về công nghệ thông tin của cô đã tiến bộ trông thấy. Bài giảng e- Learning này giúp cho các em học sinh chủ động hơn trong việc học tập. Đặc biệt bài giảng chỉ có độ dài 29 phút nhưng truyền tải kiến thức trọn vẹn, đẩy đủ và nhanh. “Sau cuộc thi tôi đã rèn giũa thêm cho mình kỹ năng xử lý giáo án như biết chắc lọc những tư liệu đắt giá và sắp xếp trình tự thông tin, kiến thức hợp lý, gãy gọn”, cô Phấn ghi nhận.

Cô Ngô Thị Hồng Anh và cô Nguyễn Thị Thu Hường, Trường THCS Mùa Xuân (quận 1) với bài giảng “Về miền đất thép”

Rạng ngời hạnh phúc là những gì mà cô Hồng Anh và cô Thu Hường đã thể hiện khi nghe tin nhóm mình đoạt giải cuộc thi. “Do thời gian chuẩn bị ngắn nên nhóm chúng tôi cùng các em học sinh đã rất căng thẳng hoàn thành tác phẩm dự thi”, cô Thu Hường nói.

Thật ra với cô Thu Hường, cuộc thi thiết kế bài giảng e- Learning đã trở nên quá thân quen vì đây là lần thứ tư cô tham gia. Ba lần trước cô tham gia thi với tư cách là giáo viên của Trường THCS – THPT Đinh Thiện Lý (Lawrence S. Ting School). Cô cũng đã từng đoạt giải nhất của cuộc thi này.

Cô Thu Hường quê ở Hà Nội, chuyên giảng dạy môn Tin học và cô Hồng Anh quê Hưng Yên, dạy môn Ngữ văn.

Vì sao chọn chủ đề bài giảng về Củ Chi – đất thép thành đồng của Tổ quốc? 2 cô cho biết đã từng cùng các em học sinh Trường THCS Mùa Xuân tham gia Chiến dịch “Mùa hè xanh” tại Củ Chi nên có tình cảm đặc biệt với mảnh đất và con người ở đây. “Tham gia cuộc thi này chúng tôi có được sự đồng thuận tích cực từ nhà trường vì khuynh hướng của Trường Mùa Xuân là khuyến khích học thực tế từ địa phương và từ cuộc sống”, cô Hồng Anh nói.

Các cô không quên đóng góp tích cực của các em học sinh tham gia hỗ trợ tư liệu ở góc nhìn của học sinh cho bài giảng E- learning này. “Nhóm 8 em học sinh lớp 6, 7 và 8 đã cùng chúng tôi quay lại Củ Chi lần thứ hai để gặp gỡ người dân, phỏng vấn, tìm hiểu, quay phim, thu âm, chụp hình…Sau khi đi thực tế, các em đã dựng các clip phim và làm các bản nghiệm thu. Các em đã tham gia buổi ngoại khóa như một buổi học thực sự, rất bổ ích”, 2 cô chia sẻ.

Bài giảng đoạt giải của 2 cô với nội dung chính giới thiệu Địa đạo Củ Chi và Đền Bến Dược. Các cô đã mở bài giảng của mình: “Chúng ta sẽ cùng nhau về miền đất thép, thăm Củ Chi – thành đồng Tổ quốc để hiểu thêm về một vùng đất thiêng của đất nước, hiểu thêm tinh thần yêu nước của dân mình và cũng để thấu tỏ hơn lòng mình”.

Cô Đặng Ngọc Hân, Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) với bài giảng “Đền thờ Hùng Vương ở TP.HCM”

Không phải ngẫu nhiên mà cô Hân chọn để tài này để dự thi Cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử e- learning năm nay. Cô đã từng đoạt giải Nhất Cuộc thi “Tự hào sử Việt” do Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM tổ chức vào năm 2013 cũng với đề tài này. “Trên cơ sở bài giảng đã có, tôi tìm hiểu thêm và thấy tại TP.HCM có đến 11 đền thờ Vua Hùng nên tôi muốn dày công tìm hiểu, khám phá thêm đề tài thú vị này”, cô Hân cho biết.

Bài giảng của cô Hân nhằm chuyển tải kiến thức cho các em học sinh nắm được lịch sử hình thành và những kiến trúc tiêu biểu của 2 đền thờ Hùng Vương ở Thảo Cầm Viên và ở Khu tưởng niệm các Vua Hùng ở Quận 9. Đồng thời giúp các em biết về văn hóa Giỗ tổ Hùng Vương.

“Qua bài giảng này tôi muốn các em nhỏ tự hào về nguồn gốc của dân tộc và có ý thức uống nước nhớ nguồn, đặc biệt là trong ngày lễ Giỗ tổ Hùng Vương. Và các em sẽ tự hào về những công trình kiến trúc mang tính lịch sử ở địa phương và đất nước mình”, cô Hân chia sẻ. Cô nói mỗi lần giảng bài cô như “lên đồng” nên truyền tải sự say mê môn học sang các em học sinh rất nhanh.

Ban Giám hiệu trường Nguyễn Bỉnh Khiêm đang ấp ủ xây dựng Thư viện E- learning nên rất khuyến khích giáo viên tham gia cuộc thi cũng như xây dựng các bài giảng điện tử. “Nếu xây dựng được thư viện này phụ huynh có thể tham khảo bài học của con mình để dễ dàng hướng dẫn con học. Các em học sinh trong ngày nghĩ cũng có thể học thêm và các đồng nghiệp giáo viên trong trường cũng có thể chia sẻ kiến thức với nhau thay vì đi dự giờ như cách truyền thống lâu nay”, cô Hân nói.

Quê ở Cần Thơ, cô Hân đã giảng dạy ở Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm 3 năm qua. Hiện cô tham gia Chủ nhiệm lớp 4.

Điều đặc biệt, cô Hân có một mối duyên rất lớn với Quỹ Hỗ trợ Cộng đồng Lawrence S. Ting. Khi còn là sinh viên K34 ngành Giáo dục tiểu học Trường Đại học Sư phạm TP.HCM cô đã vinh dự 3 lần được nhận học bổng Lawrence S. Ting (2009-2012). “Tôi có một giấc mơ sau khi ra trường sẽ gặp lại Quỹ ân nhân của mình và thật may mắn lần này tôi lại đoạt giải cao trong cuộc thi do Quỹ Lawrence S. Ting phối hợp tổ chức và tài trợ”, cô Hân nói.

TIN TỨC KHÁC