Tài liệu tuyên truyền: Về phương thức thủ đoạn gọi điện thoại mạo danh Cơ quan pháp luật lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua tài khoản Ngân hàng

Tài liệu tuyên truyền: Về phương thức thủ đoạn gọi điện thoại mạo danh Cơ quan pháp luật lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua tài khoản Ngân hàng


Trong thời gian gần đây, trên địa bàn quận liên tiếp xảy ra các vụ lừa đảo với thủ đoạn mạo danh Cơ quan pháp luật để lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua tài khoản Ngân hàng với số tiền lớn, điển hình như:

Vụ thứ 1: Vào lúc 7h30’ ngày 11/8/2016 chị Phạm Thị Lan H, ngụ P.Tân Thuận Tây, Q7 nhận được cuộc gọi từ số 04.38489703 của một người phụ nữ tự xưng là nhân viên của Công ty VNPT báo chị H nợ cước phí 8.930.000 đồng, chị H trả lời là không có nợ cước phí thì được người phụ nữ này nối máy gặp 01 người tự xưng là Đại úy Dương Minh Ngọc – Công an Hà Nội, người này nói số tiền trong tài khoản của chị H có liên quan đến vụ án 0318 do Nguyễn Thành Phúc cầm đầu và nói sẽ tịch thu tất cả tiền có trong tài khoản của chị H nếu không hợp tác và yêu cầu chị H chuyển hết toàn bộ số tiền hiện có trong tài khoản vào số tài khoản 00951004180900 đứng tên Nguyễn Thị Thơm để Công an kiểm tra, xác minh. Sau khi chị H đến Ngân hàng chuyển hết tiền trong tài khoản, chị H nghi bị lừa nên yêu cầu Ngân hàng phong tỏa tài khoản, kiểm tra lại tài khoản, chị H phát hiện đã bị rút 48.000.000 đồng.

Vụ thứ 2: Vào lúc 12h00’ ngày 15/8/2016 anh Bùi Thế T, ngụ P.Tân Quy, Q7 nhận được cuộc gọi từ máy bàn của một người phụ nữ tự xưng là nhân viên của Công ty VNPT báo anh T nợ cước điện thoại, nếu trong vòng 2 tiếng sau anh không thanh toán thì sẽ bị cắt và cảnh báo anh T có đăng ký 01 số thuê bao điện thoại ở Hà Nội, có thể bị tội phạm lợi dụng thông tin mở tài khoản ngân hàng để lừa đảo. Khoảng 2 phút sau, anh T nhận được cuộc gọi từ số 04.38489703 đến số điện thoại di động của anh T và tự xưng là Trần Hoàng Lâm – Cán bộ của Bộ Công an nói đang điều tra 1 đối tượng rửa tiền trong tài khoản có hơn 2 tỷ đồng do anh T mở tài khoản và bán lại tài khoản cho đối tượng với giá 200.000.000 đồng, đồng thời yêu cầu anh T muốn chứng minh sự trong sạch phải hợp tác với cơ quan Công an chuyển số tiền 300.000.000 đồng vào số tài khoản 101010010256885 đứng tên Vũ Đức Tín (bọn chúng nói đây là số tài khoản của Bộ Công an) để giám định, trong vòng 24 tiếng không có vấn đề gì sẽ trả lại, nếu không hợp tác sẽ bị bắt giữ. Do hoảng sợ nên anh T đã làm theo hướng dẫn của chúng và mất toàn bộ số tiền trên.    

Phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua tài khoản Ngân hàng như sau:

Cầm đầu đường dây tội phạm có tổ chức này là các đối tượng người Đài Loan – Trung Quốc, cấu kết với các đối tượng trong nước hoạt động xuyên quốc gia. Tổ chức tội phạm này sử dung thiết bị viễn thông công nghệ cao, thực hiện cuộc gọi qua internet, giả mạo số thuê bao (thường là hiển thị giả số điện thoại của cơ quan pháp luật Việt Nam như: Công an Hà Nội, Công an Tây Ninh, công ty viễn thông Việt Nam…) giả danh nhân viên công ty viễn thông Việt Nam (tổng đài VNPT), thông báo nợ cước phí, nếu không thanh toán sẽ bị cắt thuê bao và chuyển hồ sơ sang công an điều tra xử lý. Khi người bị hại phản ứng việc không nợ cước điện thoại, lập tức được hướng dẫn bấm phím số 0 hoặc phím số 9 để được giải quyết. Thực tế, các số này được bọn chúng kết nối sẵn với hệ thống viễn thông cùng tổng đài đã được thiết lập sẵn, nếu thực hiện theo hướng dẫn, nạn nhân sẽ gặp các đối tượng xưng danh thiếu úy Nguyễn Trung Hiếu, thiếu tá Nguyễn Quốc Dũng… là cán bộ điều tra, là phó trưởng Công an Hà Nội hoặc xưng danh Nguyễn Thị Phượng… cán bộ điều tra Công an tỉnh Tây Ninh đang thụ lý điều tra vụ án rửa tiền, vụ án ma túy… nạn nhân là người có liên quan trực tiếp đến vụ án, buộc phải giữ máy điện thoại để chất vấn làm rõ và yêu cầu phải giữ bí mật tuyệt đối về cuộc điều tra, nếu không thực hiện sẽ bị bắt giam.  

 Tiếp theo, bọn chúng dò hỏi về nhân thân gia đình, lai lịch, số điện thoại di động, cuối cùng là hỏi về tài chính. Khi nạn nhân tiết lộ có những khoản tiền gửi tại ngân hàng, bọn chúng cho rằng đây là tiền do phạm tội mà có, được đồng bọn chuyển vào để “rửa tiền”, vì vậy yêu cầu nạn nhân phải chuyển ngay số tiền này vào tài khoản của Ban chuyên án để giám định. Thực tế, đây là các tài khoản do bọn chúng mua từ các đầu mối Việt Nam hoặc tài khoản do người Đài Loan –Trung Quốc đứng tên chủ tài khoản, sau khi người bị hại chuyển tiền, nhóm đối tượng lừa đảo nhanh chóng thao tác chuyển số tiền qua nhiều tài khoản khác nhau bằng Internet Banking (dịch vụ chuyển tiền qua mạng), sử dụng các thẻ ghi nợ quốc tế rút tiền tại các trụ máy ATM trong và ngoài nước để chiếm đoạt.

Từ những vụ nêu trên, Công an quận đề nghị nhân dân như sau:

  1. Cảnh giác với các cuộc điện thoại thông báo nợ cước điện thoại vào các thuê bao cố định (điện thoại bàn). Đó có thể là phương thức thủ đoạn lừa đảo của băng nhóm lừa đảo quốc tế, hoạt động xuyên quốc gia, do người Đài Loan – Trung Quốc cầm đầu, điều hành, chỉ đạo từ nước ngoài.
  2. Tuyệt đối không cung cấp số điện thoại cá nhân, thông tin về nhân thân, lai lịch cá nhân cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào khi chưa biết họ là ai và sử dụng vào mục đích gì.
  3. Tuyệt đối không được mua bán, cho mượn giấy chứng minh nhân dân, tài khoản cá nhân, các loại thẻ tín dụng do ngân hàng cấp, phát hoặc chuyển, nộp tiền vào bất kỳ tài khoản cá nhân, tổ chức nào khi chưa biết rõ họ là ai.
  4. Nếu nghi vấn hoặc phát hiện cá nhân, tổ chức nào tham gia hoạt động lừa đảo, số tài khoản nào được yêu cầu chuyển nộp tiền không lý do chính đáng như nêu trên, hoặc nếu đã bàn giao tài khoản của mình cho người khác sử dụng, yêu cầu người dân phải báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để ngăn chặn hoặc truy bắt kịp thời.

Mọi nghi vấn hoặc phát hiện các đối tượng, vụ việc có liên quan, đề nghị nhân dân thông báo ngay cho đơn vị Công an gần nhất hoặc báo về Công an Quận (Qua máy trực ban – ĐT: 08.37851.787) hoặc đội CSĐT về Kinh tế và Chức vụ (ĐT: 08.37851.506).

 CÔNG AN QUẬN 7

TIN TỨC KHÁC